Foto: Ngoại trưởng Đức Heiko Maas
Theo ông Maas, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước về các tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) sẽ loại bỏ một trong những thành tựu lớn nhất trong lĩnh vực giải trừ vũ khí. Do đó, không giống như Hoa Kỳ, Đức, cùng với các đồng minh châu Âu của mình sẽ ủng hộ việc duy trì hiệp ước.
“Chúng ta cần phải sửa đổi chính sách kiểm soát vũ khí và giải trừ vũ khí nếu chúng ta muốn giữ hòa bình ở châu Âu," ông Maas nhấn mạnh.
Ông Maas đã liệt kê bốn điểm mà theo ý kiến của ông, an ninh quốc tế nên dựa vào. Trong số đó là việc quay trở lại trao đổi dữ liệu giữa Hoa Kỳ, Châu Âu và Nga; vượt qua “sự ngờ vực lẫn nhau” vì các lợi ích chung; giám sát toàn diện thông tin về tên lửa, bao gồm tên lửa hành trình; cũng như gây áp lực lên Trung Quốc về vấn đề kiểm soát vũ khí.
Đồng thời, ông Maas chỉ ra sự cần thiết phải kết hợp các công nghệ mới trong việc phát triển vũ khí, vì những gì trước đây có vẻ như chỉ là khoa học viễn tưởng có thể sớm trở thành một "thực tế chết người" đối với thế giới.
"Chúng tôi sẽ làm việc liên tục và dứt khoát ủng hộ giải trừ và kiểm soát vũ khí. Chỉ bằng cách này mới có thể dừng cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu", Bộ trưởng Ngoại giao Đức kết luận.
Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 km tới 5.500 km).
Cuối tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), hiệp ước về tiêu hủy các tên lửa tầm trung và tầm ngắn, với lý do Nga vi phạm hiệp ước này. Tuyên bố của Washington bị Moscow và một bộ phận công luận quốc tế lên án vì có nguy cơ kích động các cuộc chạy đua vũ trang khó lường.
Trên thực tế, nhiều nhà quan sát cho rằng việc nhấn mạnh đến bất đồng với nước Nga trong vấn đề INF về cơ bản chỉ là một cái cớ để chính quyền Mỹ ép Trung Quốc tham gia một hiệp ước về tên lửa tầm trung mới, nhằm tái lập “thế cân bằng chiến lược” tại châu Á.
Thế cân bằng chiến lược tại châu Á đang bị đe dọa, với việc Bắc Kinh tăng tốc đầu tư cho lực lượng tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, trong bối cảnh Trung Quốc không bị ràng buộc bởi bất cứ thỏa thuận quốc tế nào trong lĩnh vực này. Đây là lý do chủ yếu của các nỗ lực ngoại giao của Chính quyền Mỹ trong thời gian gần đây nhằm đưa Bắc Kinh vào bàn đàm phán về một hiệp ước tên lửa tầm trung mới.
Nhiều nước thành viên cũng đã hối thúc Mỹ nỗ lực giải quyết bất đồng với Nga liên quan INF, thay vì từ bỏ thỏa thuận này. Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn coi INF là cơ sở giúp kiểm soát vũ khí, đồng thời quan ngại rằng việc hiệp ước này sụp đổ có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới với khả năng Mỹ triển khai hệ thống tên lửa hạt nhân thế hệ mới tại châu Âu. Nhiều quan chức ngoại giao cho rằng Mỹ nhiều khả năng sẽ trì hoãn việc chính thức rút khỏi INF cho đến sau cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 11/11 tới tại Paris (Pháp).
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Moscow quan tâm đến việc duy trì Hiệp ước INF và hối tiếc trước quyết định của Washington rút khỏi hiệp ước.
Infonet
© 2024 | Thời báo ĐỨC