Đức đã đúng khi nói về chuyện Yemen, đâu là giá trị châu Âu?

Một nhóm điều tra độc lập của Pháp đã tố rằng Paris phải chịu trách nhiệm cho các tội ác chiến tranh tại Yemen. Đức đã đúng?

Đức đã đúng khi nói về chuyện Yemen, đâu là giá trị châu Âu?

 

Những tiết lộ gần đây của tổ chức Tin tức Điều tra Pháp Disclose đã đặt ra một giả thiết về quy mô hỗ trợ thực sự của Pháp cho Arab Saudi trong cuộc chiến tàn khốc chống lại phiến quân Houthi tại Yemen. Nếu những thông tin mới đưa ra là sự thật, nhiều quốc gia châu Âu sẽ phải xem lại cách hành xử của mình.

Cụ thể, ông Geoffrey Rivolsi, Người sáng lập Disclose cho biết, Paris đã lập luận rằng các vũ khí mà họ tích cực bán cho Arab Saudi chỉ được sử dụng cho mục đích phòng thủ, giúp Riyadh chống lại những kẻ khủng bố. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy.

“Ngay bây giờ, vũ khí của Pháp được sử dụng ở Yemen không phải để chống lại Al Qaeda hay IS mà là chống lại người dân Yemen, ở những khu vực mà Houthi kiểm soát. Điều đó rõ ràng đã vượt xa vấn đề chống khủng bố. Mỗi viên đạn pháo từ nòng súng của Pháp sản xuất bắn ra đang nã vào người dân lành” – Rivolsi tố cáo.

Ông này khẳng định, các tài liệu mà nhóm điều tra thu thập được cho thấy Pháp nhận thức rõ ràng về những rủi ro tiềm tàng mà vũ khí của họ đang được sử dụng ở Yemen. Trong đó, pháo tự hành CAESAR đã tấn công vào các khu vực được có tổng dân số lên tới 430.000 người.

132 1 Duc Da Dung Khi Noi Ve Chuyen Yemen Dau La Gia Tri Chau Au

Pháp tự hành CAESAR của Pháp sản xuất khai hỏa tại Yemen

“Vai trò của Pháp tại đây không chỉ ở việc họ bán vũ khí mà không quan tâm đến việc người sử dụng chúng dùng vào mục đích gì. Thời gian gần đây, Paris ngày càng bí mật về các giao dịch với Riyadh, ngay cả Quốc hội Pháp cũng không có quyền truy cập vào các hợp đồng buôn bán vũ khí của Điện Elysee” – bản báo cáo của Disclose cho biết.

Ngoài ra, tổ chức Disclose còn cáo buộc, không chỉ bán vũ khí, Pháp tiếp tục cung cấp các dịch vụ bảo trì cho các hệ thống khí tài này. Điều này đồng nghĩa với việc các nhân viên quân sự của Pháp theo sát các kế hoạch sử dụng vũ khí của họ ở Yemen.

“Pháp biết về vấn đề vũ khí của họ được sử dụng như thế nào. Nhưng Paris không quan tâm đến điều đó. Chỉ có một câu trả lời duy nhất: các bản hợp đồng mang lại lợi nhuận đáng kinh ngạc cho Pháp, nó là hàng tỷ Euro và họ không thể nhắm mắt bỏ qua những khoản lợi nhuận ấy” – nhà sáng lập Geoffrey Rivolsi thẳng thắn.

Trước đó, hôm 14/4, Disclose đã từng tiết lộ về việc một bản báo cáo giữa Paris và Washington về tình trạng sử dụng vũ khí của Arab Saudi tại Yemen. Theo đó, cục Tình báo Quân đội Pháp khẳng định Arab Saudi có một kho vũ khí tuyệt vời nhưng không biết cách thực hiện cuộc chiến sao cho hiệu quả.

Ngoài ra, bản báo cáo này nhấn mạnh cần phải có một sự tham vấn và hỗ trợ tác chiến nhiều hơn cho quân đội Arab Saudi và các chuyên gia quân sự của Pháp, Mỹ sẽ cần xuất hiện tại đây và lên kế hoạch cụ thể.

132 2 Duc Da Dung Khi Noi Ve Chuyen Yemen Dau La Gia Tri Chau Au

Hình ảnh cuộc đội bom của không quân Arab Saudi nhằm vào một cứ điểm của Houthi tại Yemen

Những gì mà Disclose tố cáo một lần nữa đặt ra vấn đề, Pháp và một số quốc gia phương Tây khác phải chịu trách nhiệm cho thảm họa nhân đạo đang diễn ra ở Yemen. Những loại vũ khí đang hoạt động dày đặc ở quốc gia này là sản phẩm của việc buôn bán súng đạn mà không cần biết đến mục đích sử dụng và hậu quả nhân đạo.

Điều này chứng minh quan điểm của Đức trong việc cấm bán vũ khí cho Arab Saudi là hoàn toàn chính xác. Hồi cuối tháng 2/2019, Ngoại trưởng Đức Heiko Mass tuyên bố Berlin kiên quyết giữ lập trường ngừng xuất khẩu vũ khí cho chính quyền Riyadh.

Hồi tháng 10/2018, nhà báo Jamal Khashoggi bị tra tấn và sát hại dã man trong đại sứ quán Arab Saudi tại Thổ Nhĩ Kỳ. Các cuộc điều tra đã che giấu ai là chủ mưu thực sự trong vụ việc này, chỉ có một số quan chức của Arab Saudi phải chịu trách nhiệm. Đức không đồng tình với kết quả đó và yêu cầu điều tra độc lập từ Liên Hợp Quốc, tuy nhiên, Riyadh không đồng ý.

Tháng 11/2018, Berlin chính thức tuyên bố lệnh trừng phạt ngừng cung cấp vũ khí sát thương cho Arab Saudi. Tháng 2/2019, Đức bảo lưu quan điểm này cho đến khi có thông báo tiếp theo (trừng phạt vô thời hạn).

Berlin cho rằng vụ sát hại nhà báo Khashoggi và những tội ác nhân đạo mà Arab Saudi gây ra ở Yemen là không phù hợp, việc bán vũ khí cho quốc gia này là tiếp tay cho tội ác.

132 3 Duc Da Dung Khi Noi Ve Chuyen Yemen Dau La Gia Tri Chau Au

Người dân Yemen sau một cuộc không kích của không quân Arab Saudi

Ngay lập tức, Anh, Pháp đã lên tiếng phản đối gay gắt các quyết định của Đức. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Heiko Mass nhấn mạnh hồi tháng 2:1 “Châu Âu cần phải có những tiêu chuẩn ứng xử của mình. Chúng ta cần phải biết điều gì nên và không nên. Mọi tội ác dù xảy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều phải bị loại bỏ, đây là trách nhiệm của châu Âu”.

Đức đã muốn khẳng định vai trò và chính kiến của EU trong mọi vấn đề quốc tế. Từ lợi ích châu Âu trong Nord Stream 2 và việc cân bằng quyền lợi cho Ukraine đến vấn đề Yemen vừa đề cập ở trên.

Khi các quốc gia trong liên minh này không lắng nghe, Berlin vẫn kiên quyết thực hiện. Họ muốn chứng tỏ cho châu lục và thế giới nhìn nhận một nước Đức tự chủ, có các quan điểm chính trị và tư tưởng ứng xử quốc tế rất rõ ràng.

Có vẻ như, đối với người Đức, lợi nhuận là quan trọng, nhưng giá trị cốt lõi là thứ không thể động chạm và thay đổi.

Nếu quả thật Đức đang thể hiện quyết tâm định hướng lại cách hành xử của châu Âu nói chung và trong cuộc chiến ở Yemen nói riêng, nỗ lực này có gặt hái được thành công?

Đỗ Tú

Báo Đất Việt

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày