Đức có thể cạn kiệt kỹ sư lành nghề

Dân số đang giảm, số lượng sinh viên theo học các ngành kỹ thuật thấp dần. Để duy trì với danh xưng “cường quốc công nghiệp”, Đức sẽ cần tuyển đông đảo kỹ sư quốc tế.

Thời niên thiếu, ông Robert Weiss sinh sống và lớn lên ở Đức, giúp cha sửa xe tại nhà khi rảnh rỗi. Đó là một lý do khiến ông yêu thích ngành lĩnh vực kỹ thuật, mong muốn làm việc trong ngành công nghiệp ô tô và đường sắt của Đức khi trưởng thành.

Ngày nay, với tư cách là trưởng khoa Cơ khí và Cơ điện tử tại Đại học Khoa học Ứng dụng Karlsruhe, “chàng trai” năm nào say mê với công việc sửa chữa miễn cưỡng xác nhận rằng sinh viên Đức ngày nay không còn hứng thú với các lĩnh vực kỹ thuật như trước đây.

1 Duc Co The Can Kiet Ky Su Lanh Nghe

5 năm trước, trung bình có 10 sinh viên thì 7 người ao ước được học ngành sửa chữa, kỹ thuật. Ngày nay, con số đó đã giảm xuống còn 3.

Hiện trạng này không còn là vấn đề của riêng các trường đại học. Nói xa hơn, cũng có tác động đối với ngành công nghiệp, đối với nước Đức và nền kinh tế, nếu không có đủ kỹ sư làm việc.

Từ lâu, ngành kỹ thuật của Đức được biết đến trên toàn thế giới về chất lượng và sự đổi mới. Tuy nhiên, “thương hiệu” đó đang bị đe dọa.

Theo một nghiên cứu gần đây từ cơ quan thống kê Liên bang Đức, số lượng sinh viên bắt đầu học đại học trong các lĩnh vực STEM – viết tắt của khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học – đã giảm 6% chỉ sau một năm.

2 Duc Co The Can Kiet Ky Su Lanh Nghe

Sự quan tâm của giới trẻ Đức đối với các ngành nghề STEM đã giảm. Ảnh: DW.

Câu chuyện thiếu kỹ sư lành nghề tại nhiều quốc gia không phải là vấn đề quá lạ lẫm, tuy nhiên, Đức đã bị ảnh hưởng trên hai mặt trận. Dân số của đất nước này đang giảm, với nhiều kỹ sư và chuyên gia kỹ thuật hiện đang nghỉ hưu.

Đồng thời, Đức cần thực hiện một cuộc chuyển đổi xanh và kỹ thuật số quy mô lớn, một nhiệm vụ sẽ đòi hỏi một đội ngũ công nhân lành nghề về CNTT, kỹ thuật và các lĩnh vực kỹ thuật tiên tiến khác.

Vào tháng 4/2022, cả nước thiếu khoảng 320.000 chuyên gia STEM, theo báo cáo năm 2022 của Viện Kinh tế Đức (IW) ở Cologne. Số liệu tuyển sinh mới nhất cho thấy tình hình không cải thiện là bao.

Theo Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức (BMBF), các môn học STEM vẫn chưa nhận được sự đánh giá cao do tầm quan trọng về kinh tế và xã hội của chúng.

Chia sẻ với DW, Axel Plünnecke, trưởng nhóm “Giáo dục, Đổi mới, Di cư” tại viện IW, cho rằng, áp lực đổi mới hiện nay là rất lớn và để làm được điều đó, bạn cần có những chuyên gia kỹ thuật có chuyên môn, tay nghề cao.

Câu hỏi đặt ra là liệu Đức có thể có được họ hay không. Nếu không thể, thì khả năng cạnh tranh của quốc gia này sẽ bị ảnh hưởng hoặc các công ty sẽ phải di dời nhiều hơn đến các khu vực khác.

Theo DW trích dẫn, ngành ô tô nổi tiếng của quốc gia này đang phải gồng gánh nhiều biến động. nơi các nhà tuyển dụng nổi tiếng như BMW, Volkswagen và Mercedes-Benz gần đây đã phải vật lộn trong việc chuyển đổi sang động cơ chạy bằng điện trong khi thiếu hụt đội ngũ lao động lành nghề.

Trong khi đó, thay đổi nhân khẩu học cũng đang đóng một vai trò then chốt. Trong khi dân số bản địa đang giảm, trong mười năm qua, Đức đã chứng kiến sự gia tăng tỷ lệ học sinh phổ thông nhập cư vào nước này cùng gia đình.

Gần đây, Đức có tỷ lệ nhập cư rất cao trong các ngành kỹ thuật. Trong mười năm qua, số lượng người mang hộ chiếu Ấn Độ làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật hoặc khoa học máy tính ở Đức đã tăng từ khoảng 3.800 lên 25.000, và tăng 558%.

Ngoài ra, các chuyên gia từ Ai Cập, Tunisia và Ma-rốc cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn ở Đức. Bộ trưởng Lao động Đức Hubertus Heil cho biết vào tháng 11/2022 rằng ý tưởng “tất cả những người lao động lành nghề trên thế giới” đều muốn đến Đức “thật không may là một ảo tưởng”.

Chính phủ nước này hiện đang cố gắng hợp lý hóa quá trình nhập cư cho lao động có tay nghề cao. Rào cản quan liêu và thiếu số hóa có thể khiến người lao động nước ngoài phải chờ đợi hàng tháng trời để có quyền làm việc trong nước.

Nếu tình hình thiếu hụt lao động dai dẳng đồng nghĩa với việc đội ngũ lao động hiện có sẽ chịu nhiều áp lực hơn.

Theo DW


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày