Foto: Một chiếc xe tải chở khí tự nhiên hóa lỏng tại một trạm LNG ở Brandenburg, Gruenheide, Đức. (Nguồn: Getty)
Ngày 2/3, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thông báo Đức chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp Nga ngừng xuất khẩu khí đốt sang nước này, vốn là nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Trả lời đài phát thanh Deutschlandfunk về việc Chính phủ Đức sẽ làm gì nếu Nga ngừng xuất khẩu khí đốt, ông Habeck đáp: "Chúng tôi sẵn sàng cho tình huống đó. Tôi có thể phát tín hiệu 'an toàn' cho mùa Đông và mùa Hè này. Đối với mùa Đông tới, chúng tôi sẽ có những biện pháp bổ sung," viện dẫn việc ban hành một đạo luật mới để đảm bảo đủ lượng khí đốt dự trữ cho mùa Đông.
Trước đó, giới chức Chính phủ Đức cũng đã xác nhận thông tin được đăng trên cổng thông tin The Pioneer rằng chính phủ đã chi 1,5 tỷ euro (1,6 tỷ USD) để mua khí đốt dự trữ cho tương lai gần để đối phó với nguy cơ thiếu khí đốt vào mùa Đông.
Bộ Tài chính Đức đã "bật đèn xanh" cho một đề xuất tương ứng của Bộ Kinh tế liên bang. Việc thanh toán để mua lượng khí đốt dự trữ này được tiến hành rất nhanh chóng và không thông qua Ủy ban Ngân sách Quốc hội như thường lệ.
Dự kiến lô khí đốt đầu tiên về tới Đức trong ngày 1/3.
Trong khi đó, để độc lập hơn với nguồn cung cấp năng lượng của Nga, Đức đặt mục tiêu hướng tới sản xuất điện hoàn toàn từ nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2035.
Kế hoạch này phù hợp với mục tiêu đã thống nhất trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Để đạt mục tiêu này, Chính phủ Đức đặt lộ trình đến năm 2030, tỷ trọng điện gió hoặc năng lượng Mặt Trời sẽ chiếm 80%.
Cụ thể, tới năm 2030, công suất năng lượng gió trên đất liền sẽ tăng gấp đôi lên 110 gigawatt, trong khi năng lượng gió trên biển tới năm 2030 cũng sẽ đạt 30 gigawatt, tương đương công suất của 10 nhà máy điện hạt nhân.
Đối với năng lượng Mặt Trời, tới năm 2030, công suất điện từ nguồn này cũng sẽ tăng gấp 3 lần, lên 200 gigawatt. Kế hoạch hiện đã được đưa vào Đạo luật năng lượng tái tạo (EEG) sửa đổi và dự kiến sớm được Quốc hội thông qua để có thể có hiệu lực trước tháng 7 tới.
Cùng ngày, ngân hàng phát hành thẻ lớn nhất của Nga Sberbank thông báo rút khỏi thị trường châu Âu sau khi chịu áp lực từ các biện pháp trừng phạt tăng cường của phương Tây nhằm vào thể chế tài chính này để phản ứng trước hành động của Nga đối với Ukraine.
Các hãng thông tấn Nga dẫn tuyên bố của Sberbank nhấn mạnh: "Trong bối cảnh hiện nay, Sberbank quyết định rời khỏi thị trường châu Âu"./.
Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+)
© 2024 | Thời báo ĐỨC