Bộ trưởng Quốc phòng Đức Vladimir Pistorius hôm nay cho biết Berlin nhận được yêu cầu từ Ba Lan cho phép họ chuyển tiêm kích cho Ukraine hôm 12/4 và đã chấp thuận ngay trong ngày. Theo ông Pistorius, việc nhanh chóng chấp thuận đề nghị của Ba Lan thể hiện mức độ đáng tin cậy của Đức.
Pistorius trước đó thông báo Ba Lan đề nghị Berlin cho phép xuất khẩu 5 tiêm kích MiG-29 cũ để tăng cường sức mạnh cho không quân Ukraine. Chính phủ Đức quyết định đồng ý với đề xuất này sau khi tham khảo ý kiến Bộ Quốc phòng, Thủ tướng và các bên liên quan khác.
Đức thừa hưởng 24 tiêm kích MiG-29 từ Đông Đức sau khi thống nhất đất nước năm 1990. Vào thời điểm đó, MiG-29 được coi là một trong những tiêm kích tiên tiến nhất thế giới.
Năm 2004, Berlin chuyển giao 22 chiếc MiG-29 cho Ba Lan. Trong số hai chiếc còn lại ở Đức, một bị phá hủy do tai nạn và một đang được trưng bày tại viện bảo tàng.
Theo quy định chuyển giao vũ khí của Berlin, Ba Lan cần sự đồng ý của Đức nếu muốn xuất khẩu những tiêm kích này cho nước thứ ba.
Tiêm kích MiG-29 Ba Lan hạ cánh tại căn cứ Malbork hồi năm 2014. Ảnh: Jetphotos
Trong chuyến thăm Ba Lan tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Warsaw sẽ giúp thành lập liên minh các cường quốc phương Tây để cung cấp chiến đấu cơ cho Kiev. Ukraine, quốc gia hy vọng sẽ tiến hành một cuộc phản công trong vài tuần hoặc vài tháng tới, muốn có thêm tiêm kích để chống lại các cuộc không kích của Nga.
Cho đến nay, phương Tây vẫn chưa đồng ý gửi tiêm kích chuẩn NATO F-16 tới Ukraine, nhưng một số nước đã chuyển giao MiG-29 cũ, loại tiêm kích phi công Ukraine đã quen vận hành.
Ba Lan, quốc gia vận hành nhiều MiG-29 nhất trong khối NATO, đầu tháng này chuyển vài tiêm kích MiG-29 cho Ukraine theo cam kết, vài tuần sau khi Slovakia thực hiện động thái tương tự. Chánh văn phòng Tổng thống Ba Lan Pawel Szrot nói rằng tổng số tiêm kích MiG-29 được chuyển cho Ukraine "không tới 14 chiếc".
Ba Lan và Slovakia đã ủng hộ mạnh mẽ Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch cuối tháng 2/2022. Cam kết của Warsaw với nước láng giềng đã đóng vai trò quan trọng để thuyết phục các đồng minh châu Âu khác cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev, trong đó có xe tăng chủ lực.
MiG-29 là tiêm kích được Liên Xô phát triển vào thập niên 1970 và biên chế năm 1982. Dòng MiG-29 cơ bản trang bị một pháo GSh-30-1 cỡ nòng 30 mm, 7 giá treo vũ khí và thùng dầu phụ, mang được tối đa 3,5 tấn vũ khí gồm tên lửa đối không R-27 và R-73, cùng nhiều loại bom và rocket. Chiến đấu cơ MiG-29 Ukraine cũng được điều chỉnh để mang tên lửa diệt radar AGM-88B HARM do Mỹ sản xuất.
Huyền Lê (Theo Reuters)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC