"Một số quốc gia vẫn có vũ khí nhưng không muốn cung cấp cho Ukraine vì những lý do lịch sử", Phó thủ tướng Đức Robert Habeck ngày 15/2 cho biết. "Chúng tôi đang đàm phán với Thụy Sĩ và tôi phải nói rõ rằng không hiểu tại sao nước này không cung cấp đạn cho pháo phòng không Gepard".
Đức đã chuyển một số tổ hợp Flakpanzer Gepard sau tân trang và một số đạn dược tới Ukraine, cũng như tái khởi động dây chuyền sản xuất đạn 35 mm cho mẫu pháo phòng không này.
Chính phủ Đức ngày 14/2 ký hợp đồng sản xuất đạn pháo Gepard với tập đoàn quốc phòng Rheinmetall. Theo thỏa thuận, Rheinmetall dự kiến chế tạo 300.000 viên đạn cho pháo Gepard.
Tuy nhiên, công suất sản xuất đạn pháo 35 mm cho tổ hợp Gepard của Đức còn hạn chế. Điều này khiến Đức phải đề xuất Thụy Sĩ cho phép tái xuất đạn mà nước này sản xuất cho Ukraine. Thụy Sĩ từ chối đề xuất với lý do làm tổn hại đến tính trung lập của họ.
Pháo phòng không Gepard của Đức trình diễn tại thao trường Munster tháng 6/2007. Ảnh: Reuters.
Đức cùng các nước thành viên NATO khác đang họp tại Brussels, Bỉ về tăng tốc chuyển giao vũ khí và đạn dược cho Ukraine. Tổng thư ký NATO ngày 13/2 nhận định Ukraine đang sử dụng lượng đạn vượt xa năng lực sản xuất và "vắt kiệt kho dự trữ" của các nước thành viên liên minh.
Pháo phòng không Gepard sử dụng khung gầm xe tăng chủ lực Leopard 1, được phát triển từ những năm 1960 và biên chế vào những năm 1970. Quân đội Đức loại biên mẫu pháo này năm 2010 để chuyển sang biến thể thiết giáp chở quân Wiesel gắn tên lửa phòng không FIM-92 Stinger hoặc LFK NG.
Tổ hợp Gepard được trang bị hai pháo tự động Oerlikon GDF 35 mm, mỗi khẩu có 320 viên đạn phòng không và 20 viên đạn chống tăng, cùng hai cụm 4 ống phóng lựu đạn khói 76 mm. Pháo có kíp lái ba người, có thể di chuyển với tốc độ tối đa 65 km/h, tầm hoạt động 550 km.
Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: RYV.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC