Người tị nạn không bị trục xuất, họ được khuyến khích lựa chọn tình nguyện trở về quê hương cùng số vốn mà Chính phủ Đức chu cấp.
Chương trình có tên “StartHilfe Plus” (Bắt tay giúp đỡ thêm nữa) bắt đầu áp dụng từ ngày 2/2. Đây là sáng kiến của Văn phòng di cư và người tị nạn Liên bang Đức (BAMF) và Tổ chúc di trú quốc tế (IOM) với nhiệm vụ trao cho người tị nạn cơ hội chủ động lựa chọn đi hay ở lại.
Nếu quyết định trở về quê nhà, người tị nạn sẽ nhận được một khoản trợ cấp. Gói chi phí mà Chính phủ Đức đưa ra trong năm nay là 43 triệu USD.
“StartHilfe Plus” được thiết kế dành riêng cho người tị nạn khó có thể có hồ sơ tị nạn hợp pháp xét theo nhiều tiêu chuẩn của Đức.
Bà Jutta Cordt, người đứng đầu BAMF cho biết năm 2016, có khoảng 55.000 người tị nạn không thể có hồ sơ hợp lệ cư trú hợp lệ ở Đức đã tình nguyện trở về nhà. Con số này năm 2015 là 35.000 người.
Hiện BAMF vẫn còn 430.000 hồ sơ xin tị nạn dang dở chưa giải quyết được. Riêng năm 2016, số người nộp hồ sơ là 700.000 người. Đây là thử thách rất lớn mà sáng kiến “StartHilfe Plus” có thể tháo gỡ được.
Đối tượng trên 12 tuổi đồng ý về nhà trong trường hợp tự nguyện rút hồ sơ xi tị nạn sẽ nhận khoảng 1.300 USD. Với người bị từ chối hồ sơ thì nhận hơn 860 USD cùng điều kiện họ đồng ý rời Đức theo đúng thời hạn quy định.
Với gia đình có nhiều thành viên và đối tượng dưới 12 tuổi thì Chính phủ Đức sẽ cấp xét hỗ trợ thêm.
“StartHilfe Plus” nhận không ít lời chỉ trích cho rằng chương trình này gây tốn kém ngân sách. Tuy nhiên, các khảo sát và thống kê chỉ ra rằng thủ tục trục xuất người tị nạn thậm chí tốn kém hơn số tiền chi trả hỗ trợ họ về nước.
Trung bình một người tị nạn tốn khoảng 7.700 USD và mất trung bình 35 ngày để đến Đức. Vì vậy, việc hỗ trợ một số tiền và khuyến khích họ về nước vừa đảm bảo tinh thần nhân văn lại vừa giải quyết được bài toán ngân sách của Đức ở thời điểm này.
Cuối năm 2015, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mở rộng vòng tay chào đón người tị nạn nhưng ý định tốt đẹp này không đạt được hiệu quả lý tưởng như mong đợi.
Bên cạnh lời tán dương của nhiều người trên thế giới là sự chỉ trích thậm tệ về quyết định bị cho là sai lầm, gây ảnh hưởng đến an ninh Đức và châu Âu. Đây là một trong những chính sách cho thấy thế lực bất tòng tâm của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Theo Báo Phụ Nữ
© 2024 | Thời báo ĐỨC