Binh lính Đức là một phần trong kế hoạch chiến tranh với Nga. Ảnh: Getty Images.
Der Spiegel và Bild đưa tin Bộ Quốc phòng Đức đã vạch ra các kế hoạch dự phòng cho một cuộc xung đột quân sự tiềm ẩn với Nga. Tài liệu này được cho là dự kiến Đức sẽ đóng vai trò quan trọng như một quốc gia quá cảnh cho quân đội NATO, với dân số và các dịch vụ dân sự dự kiến sẽ hỗ trợ các nhân viên quân sự nước ngoài.
Tháng trước, chính phủ Đức đã chính thức cập nhật các hướng dẫn thời chiến lần đầu tiên kể từ năm 1989, hiện bao gồm các biện pháp như bắt buộc nhập ngũ và buộc các nhà sản xuất phải sản xuất hàng hóa phục vụ chiến tranh.
Trong bài báo hôm 12/7, Der Spiegel cáo buộc rằng theo ’Kế hoạch hoạt động Đức’ (OPLAN DEU) tuyệt mật, nước này có thể sắp xếp việc chuyển 800.000 quân NATO và khoảng 200.000 phương tiện, bao gồm xe tăng và các khí tài khác, từ các cảng ở Đức. Hà Lan và Bỉ về phía Đông, trong vòng ba đến sáu tháng.
Một số đường cao tốc quan trọng được cho là sẽ được sử dụng cho mục đích này, nghĩa là chúng sẽ bị cấm giao thông dân sự. Cả hai cơ quan truyền thông đều tuyên bố rằng các cộng đồng địa phương sẽ phải cung cấp thực phẩm, nhà ở, nơi nghỉ ngơi và nhiên liệu cho các quân nhân đi qua.
Der Spiegel dẫn lời Ralph Tiesler, chủ tịch Văn phòng Liên bang về Bảo vệ Dân sự và Hỗ trợ Thảm họa, dự đoán rằng "kẻ thù có thể thực hiện các biện pháp cản trở hoặc làm chậm hoạt động di chuyển của quân NATO", bằng cách phá hoại hoặc tấn công bằng tên lửa.
Cảnh sát Đức và các dịch vụ khẩn cấp được cho là sẽ phải ưu tiên bảo vệ các tuyến đường quan trọng này và loại bỏ hậu quả của bất kỳ cuộc tấn công nào vào chúng.
Bild dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức cho biết, ngoài vai trò là trung tâm hậu cần của NATO, Đức cũng sẽ cần thành lập một trại tù binh chiến tranh lớn trên đất của mình nếu cuộc đối đầu quân sự với Nga nổ ra.
Hai cơ quan truyền thông này dẫn lời Tổng thanh tra Bundeswehr Carsten Breuer ước tính rằng Berlin có thời gian đến năm 2029 để sẵn sàng cho một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng với Moscow, vì Nga được cho là có thể tấn công NATO vào thời điểm đó.
Các cộng đồng địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng và tổ chức diễn tập cho tình huống xấu nhất này. Theo Der Spiegel, dẫn lời thị trưởng của một thị trấn giấu tên, người dân địa phương không thể hiện bất kỳ sự nhiệt tình nào đối với những nỗ lực này.
Tờ báo dẫn lời quan chức này cho biết: "Cho đến nay chỉ có một số ít người hiểu được ’thời kỳ chuyển giao’ nghĩa là gì".
Trong khi nhiều quốc gia thành viên NATO trong những tháng gần đây tuyên bố rằng Nga đang ấp ủ kế hoạch tấn công khối quân sự do Mỹ đứng đầu, thì Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng trước đã bác bỏ những cáo buộc đó là "vô nghĩa" và "nhảm nhí". Ông cho rằng những người đưa ra những câu chuyện như vậy đã "hoàn toàn mất trí".
© 2024 | Thời báo ĐỨC