Đức bế tắc trong các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh

Các nhà lãnh đạo bảo thủ, tự do và đảng Xanh vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề chủ chốt như môi trường, nhập cư và cải cách EU.

Các cuộc đàm phán do đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel khởi xướng nhằm thành lập chính phủ liên minh thứ 4 dưới sự lãnh đạo của bà đang lâm vào bế tắc dù đã đi được một nửa chặng đường.

Đức bế tắc trong các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh - 0

Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: AFP)

Trong suốt hơn 2 tuần qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel và liên đảng cầm quyền gồm Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo đã tiến các cuộc thảo luận kín với các đại diện đảng Dân chủ tự do (FDP) theo đường lối thân thiện với giới kinh doanh và đảng Xanh vốn là một đảng cánh tả truyền thống.

Một liên minh chưa từng có giữa những đảng phái hoàn toàn khác biệt nhau là con đường duy nhất mà Thủ tướng Merkel có thể lựa chọn để tạo ra một chính phủ đa số sau cuộc bầu cử Quốc hội hôm 24/09 với qua.

Một nửa chặng đường đàm phán đã trôi qua, song kết quả thu được từ các cuộc thảo luận mới chỉ ở điểm khởi đầu.

Trong khi đó, thời gian dành cho các đảng lại không còn nhiều. Đến ngày 25/11 tới, người dân Đức sẽ phải được biết liệu 4 đảng này sẽ tiếp tục đàm phán hay chấp nhận đổ vỡ. Đây là thời điểm mà đảng Xanh sẽ phải công bố lộ trình chi tiết đã đạt được với các đối tác liên minh, trong khi những đảng khác thì trước đó vài ngày. Mục tiêu đặt ra đó là nền kinh tế trụ cột của Liên minh châu Âu phải thành lập được chính phủ trước Noel.

“Chúng ta phải đàm phán về cách xây dựng một chính phủ đáng tin cậy bao gồm Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo, đảng Dân chủ Tự do và đảng Xanh” - Thủ tướng Merkel nói.

Bà thừa nhận, đây sẽ là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. “Chúng ta sẽ phải chiến đấu để có câu trả lời về việc thành lập một chính phủ mà sẽ phải làm việc tới tận năm 2021, làm sao chính phủ có thể làm tốt hơn những gì của năm 2017” - Thủ tướng Đức nhấn mạnh.

Tới nay, một số bước tiến đã được ghi nhận liên quan chính sách tài chính hay hưu trí nhưng những cuộc thảo luận lại gần như dậm chân tại chỗ trong ít nhất 3 hồ sơ quan trọng là môi trường, nhập cư và cải cách Liên minh châu Âu.

Căng thẳng leo thang đến mức mà vấn đề nhập cư đã bị hoãn lại để giành thời gian đàm phán cho những vấn đề ít gây tranh cãi hơn.

Trong một phát biểu trên nhật báo Bild, lãnh đạo đảng Dân chủ tự do Christian Lindner thừa nhận, về mặt chính trị các bên ở rất xa nhau và cơ hội đạt được sự thỏa hiệp vẫn luôn là 50-50.

Tuy nhiên tại một nước Đức vốn quen với văn hóa thỏa hiệp, thì dường như mọi lập trường khác biệt đều có thể được xích lại gần nhau. Theo những người tham gia đàm phán, mỗi bên đều cho thấy sự hòa giải mỗi khi cánh cửa sắp khép lại.

Bởi trong trường hợp thất bại, Thủ tướng Angela Merkel sẽ không còn lựa chọn nào khác là phải  tổ chức bầu cử sớm, một kịch bản lần đầu tiên xảy ra tại Đức. Và điều này sẽ là cơ hội cho đảng cực hữu AfD, luôn coi sự ra đi của Thủ tướng Merkel là mục tiêu hàng đầu.

Tuy nhiên sự đột phá của đảng này trong cuộc bầu cử vừa qua là chưa đủ để họ có thể giành được một thế đa số. Các đảng phái chính trị đều đã bác bỏ mọi khả năng liên minh với đảng này. Hơn nữa, nếu kịch bản này xảy ra, nhiều người lo ngại EU sẽ “mất lái”./.

Thu Hoài/VOV-Trung tâm Tin

Tổng hợp


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày