Nguồn: businessinsider
Trong báo cáo tháng, Bộ tài chính Đức nêu rõ vấn đề bê bối gian lận khí thải, cùng với việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) và chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ, là những yếu tố đe dọa gây tổn hại nền kinh tế của Đức.
Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh bê bối gian lận khí thải, được gọi là "cuộc khủng hoảng diesel," có thể phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng kinh tế Đức.
Báo cáo nhấn mạnh "do tầm quan trọng của ngành sản xuất ô tô, những tác động của cuộc khủng hoảng này phải được xác định về trung hạn là mối đe dọa đối với tổng thể phát triển kinh tế."
Sản xuất ôtô là một trong những ngàng công nghiệp chủ đạo và là ngành xuất khẩu lớn nhất của Đức, tạo công ăn việc làm cho ít nhất 800.000 lao động tại nước này.
Bê bối gian lận khí thải bùng phát gần 2 năm trước đây, sau khi hãng sản xuất ôtô hàng đầu của Đức Volkswagen bị phát hiện lắp đặt phần mềm gian lận khí thải, cho đến nay hầu hết các hãng sản xuất ôtô tại quốc gia này đều vướng phải những cáo buộc tương tự.
Nhằm khắc phục hậu quả bê bối trên, đầu tháng 8 này, giới chính trị và các nhà sản xuất ôtô của Đức đã nhất trí thay phần mềm động cơ của hơn 5,3 triệu xe ôtô chạy bằng động cơ diesel để giảm lượng khí phát thải và tim cách khôi phục uy tín của ngành sản xuất ôtô.
Xe chạy bằng động cơ diesel thải ra ít khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, nhưng thải ra nhiều khí NO2 có thể gây ra các vấn đề hô hấp nếu nồng độ cao.
Tương lai của ngành sản xuất ô tô đã trở thành vấn đề nóng trong các cuộc vận động tranh cử trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Đức dự kiến diễn ra vào ngày 24/9 tới.
Phát biểu tại một sự kiện trước thềm bầu cử, ngày 20/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo hậu quả nếu vội vàng từ bỏ loại xe ôtô chạy bằng động cơ diesel sau những bê bối gian lận khí thải, khẳng định rằng diesel vẫn là loại nhiên liệu cần thiết nếu muốn đạt các mục tiêu về biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Merkel kêu gọi các nhà sản xuất ôtô tại Đức nỗ lực xây dựng lại lòng tin của người tiêu dùng đối với các phương tiện chạy bằng dộng cơ diesel.
Bà đề xuất việc đền bù cho các chủ xe một cách công bằng và thỏa đáng là một cách để khôi phục lòng tin và uy tín của ngành công nghiệp chế tạo ôtô của Đức vốn luôn được đánh giá là đứng đầu thế giới./.
Vietnam+
© 2024 | Thời báo ĐỨC