Một trạm nén khí của mạng lưới khí đốt tự nhiên tại Werne, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Ngày 13/4, một người phát ngôn Chính phủ Đức cho biết nước này bác bỏ lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Nga ở thời điểm hiện nay, nhưng vẫn phản đối việc thanh toán bằng đồng ruble các hợp đồng mua năng lượng của Nga.
Theo Bộ Kinh tế Đức, các công ty nước này vẫn đang trả tiền khí đốt của Nga bằng đồng euro.
Trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Đức nhập khẩu khoảng 33% dầu mỏ, 45% than đá và 55% khí đốt từ Nga.
Tuy nhiên, khi chiến sự tại Ukraine bùng phát, Đức bắt đầu cân nhắc các phương án cắt giảm nhập khẩu năng lượng của Nga, tăng tốc đầu tư vào năng lượng tái tạo và xây dựng các trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để đa dạng hóa nguồn cung cấp.
Người dân Đức đang phải đối mặt với những đợt tăng giá lớn với các hàng hóa sinh hoạt hằng ngày. Lạm phát ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khi giá cả tăng cao, nhất là giá năng lượng và nhiều mặt hàng bị khan hiếm.
Các chuỗi siêu thị giá rẻ như Aldi đã tăng giá đáng kể trong vài ngày qua, trong khi nhiều công ty khác cũng thông báo tăng giá bán hàng. Ngoài chi phí điện, khí đốt và nhiên liệu, giá thực phẩm tăng cao đã đẩy lạm phát ở Đức có lúc lên tới 7,3% - mức cao nhất trong 40 năm qua.
Khí đốt của Nga đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu. Ngày 31/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh quy định tất cả các hợp đồng cung cấp khí đốt với các công ty đăng ký hoạt động tại các quốc gia "không thân thiện" chỉ được thanh toán bằng đồng ruble bắt đầu từ ngày 1/4.
Yêu cầu của Nga khiến các khách hàng châu Âu rơi vào tình thế khó xử: từ chối thanh toán bằng đồng ruble và đối mặt nguy cơ không nhận được khí đốt, hoặc tuân thủ và chịu rủi ro giá cao hơn khi các hợp đồng được đàm phán lại và các giao dịch dài hạn có lợi hơn bị loại bỏ. Điều này đã khiến các đối tác đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt này./.
Trần Quyên (TTXVN)
Nguồn: vietnamplus.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC