“Điều này không phải bàn cãi”, Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius nói trong cuộc phỏng vấn đăng trên tờ Suddeutsche ngày 27/1 khi được hỏi liệu Đức có chuyển tiêm kích cho Ukraine hay không.
“Tiêm kích là hệ thống phức tạp hơn nhiều so với xe tăng chủ lực, cũng như có tầm hoạt động và hỏa lực hoàn toàn khác. Chúng ta sẽ mạo hiểm tiến vào xu hướng mà tôi luôn cảnh báo tránh xa”, ông Pistorius nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Pistorius đưa ra tuyên bố trong bối cảnh chính phủ Ukraine gần đây công khai kêu gọi phương Tây chuyển tiêm kích, sau khi Đức chấp thuận chuyển xe tăng chủ lực Leopard 2 và Mỹ thông báo viện trợ M1 Abrams.
Tiêm kích Eurofighter Typhoon của không quân Đức tại căn cứ không quân Mihail Kogalniceanu ở Constanta, Romania tháng 2/2022. Ảnh: Reuters.
Cũng trong cuộc phỏng vấn đăng ngày 27/1, Bộ trưởng Pistorius nhận định quỹ quốc phòng đặc biệt trị giá 108 tỷ USD của Đức, được thành lập vào năm 2022, “sẽ không đủ” để trang trải các yêu cầu của nước này. Ông nhận định Đức cần tăng ngân sách quốc phòng thường niên, hiện ở mức khoảng 54 tỷ USD.
Ông Pistorius cũng đánh giá quyết định chấm dứt chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc của Đức năm 2011 “là một sai lầm”, đồng thời khẳng định sẵn sàng thảo luận về mô hình mới để tăng cường mối quan hệ giữa công dân và đất nước.
Giới chức Ukraine ngày 25/1 tuyên bố nhiệm vụ tiếp theo của nước này là thúc giục phương Tây chuyển tiêm kích sau khi được cung cấp xe tăng chủ lực. Họ bày tỏ mong muốn nhận tiêm kích thế hệ 4, trong đó có F-16, nhận định loại khí tài này sẽ mang lại lợi thế vô cùng lớn trên chiến trường.
Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jon Finer ngày 26/1 nói nước này sẽ thảo luận về ý tưởng viện trợ tiêm kích “một cách rất cẩn thận” với Ukraine và đồng minh.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ từng nhận định F-16 là tiêm kích phức tạp, phi công cần học lái trong nhiều tháng và yêu cầu bảo trì lớn, điều khó thực hiện tại Ukraine trong lúc chiến sự diễn ra.
Lực lượng không quân Ukraine sở hữu một phi đội máy bay chiến đấu từ thời Liên Xô, xuất xưởng trước khi Ukraine tuyên bố độc lập hơn ba thập kỷ trước. Các tiêm kích này được sử dụng cho các nhiệm vụ đánh chặn và tấn công các vị trí của Nga.
Trong năm qua, Mỹ và các nước châu Âu lần lượt phá rào khi cung cấp nhiều vũ khí hạng nặng cho Ukraine, song chưa gửi các tiêm kích do nguy cơ khiến chiến sự leo thang.
Nguồn: Vnexpress
© 2024 | Thời báo ĐỨC