Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Macron bất đồng ý kiến trong việc chọn ứng viên Chủ tịch Uỷ ban châu Âu. (Ảnh: AP)
Một ngày sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, hai cường quốc hàng đầu của Liên minh châu Âu bắt đầu thể hiện sự bất đồng trong việc lựa chọn ứng cử viên cho chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu.
Chỉ 1 ngày sau khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu kết thúc, cuộc đua vào chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu thay ông Jean-Claude Juncker trong vài tháng tới đã trở nên nóng bỏng.
Phát biểu trong một buổi họp báo tại thủ đô Berlin trong ngày 27/5, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi các lãnh đạo châu Âu nhanh chóng đồng thuận về một ứng cử viên để đề cử ra Nghị viện châu Âu trong đầu tháng 6/2019. Đồng thời, bà Merkel cũng tuyên bố chính phủ Đức vẫn tiếp tục ủng hộ cơ chế lựa chọn Chủ tịch Uỷ ban châu Âu từ hàng ngũ của nhóm chính trị có số ghế nhiều nhất tại Nghị viện châu Âu (hay còn gọi là cơ chế Spitzenkandidat).
Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ Đức ủng hộ ông Manfred Weber, chính trị gia người Đức hiện là Chủ tịch nhóm nghị sĩ của các đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm chính trị chiếm nhiều ghế nhất tại Nghị viện châu Âu khoá tới.
Tuy nhiên, cũng trong chiều ngày 27/5, Văn phòng Tổng thống Pháp phát đi thông báo cho biết không coi cơ chế lựa chọn trên là điều đương nhiên. Cùng lúc, đảng “Nền Cộng hoà tiến bước” (LREM) của ông Emmanuel Macron cũng tuyên bố phản đối cơ chế lựa chọn này.
Theo giới quan sát, chính phủ Pháp hiện đang phản đối ông Manfred Weber giữ chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu vì lo ngại một chính trị gia người Đức nắm giữ cương vị này sẽ tạo nên các ảnh hưởng bất lợi đến Pháp, nước hiện đang có nhiều khác biệt trong quan điểm cải tổ EU so với Đức. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn việc lựa chọn Chủ tịch Uỷ ban châu Âu phải được đưa ra thảo luận công khai ở Hội nghị Thượng đỉnh khối.
Hiện tại, ngoài ông Manfred Weber còn có nhiều ứng cử viên khác của các nhóm chính trị muốn ứng cử vào ghế Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, vốn được đánh giá là quyền lực nhất trong các thiết chế của khối này. Đối thủ lớn nhất của ông Weber là ông Frans Timmermans, chính trị gia người Hà Lan thuộc nhóm các đảng Dân chủ tự do, nhóm chính trị lớn thứ 2 tại Nghị viện châu Âu. Lợi thế của ông Timmermans là hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu còn ông Manfred Weber đang bị suy giảm uy tín sau khi nhóm các đảng Nhân dân châu Âu mất đến gần 40 ghế tại Nghị viện khoá này./.
Quang Dũng/VOV Paris
Nguồn: vov.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC