Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đức Olaf Scholz bắt tay trước hội đàm ở Hà Nội hôm 13/11/2022
Thủ tướng Olaf Scholz và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi hội đàm vào ngày 13/11 và tổ chức họp báo sau đó.
Truyền thông Nhà nước trích lời Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại họp báo, đánh giá quan hệ giữa Việt Nam và Đức tiếp tục phát triển tích cực những năm qua và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức ở Đông Nam Á.
Tại cuộc gặp, Việt Nam đề nghị Đức sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU để tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ kinh tế, đồng thời đề nghị Đức thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn Đức tiếp tục duy trì ODA và vốn vay ưu đãi, hỗ trợ Việt Nam trong phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đào tạo nghề, năng lượng tái tạo và y tế.
Theo Reuters, chuyến thăm của Thủ tướng Đức cho thấy vai trò đang lên của Việt Nam đối với Đức trong dây chuyền cung ứng toàn cầu vào khi các doanh nghiệp Đức đang xem xét việc đa dạng hoá hoạt động sản xuất và mở rộng sự hiện diện của họ ra bên ngoài Trung Quốc, nước hiện đang thực hiện chính sách Không COVID.
Đức và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2011.
Theo truyền thông Nhà nước, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Đức ở Đông Nam Á và lớn thứ sáu ở châu Á. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương bảy tháng đầu năm đạt gần 7,3 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Đức là nhà đầu tư lớn thứ 18 trên 141 nước, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn FDI đăng ký đạt 2,34 tỷ USD tính đến tháng 10. Đức đã cung cấp ODA hơn 2 tỷ USD cho Việt Nam. Trong giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp, Đức viện trợ cho Việt Nam hơn 10 triệu liều vắc-xin. Hiện có hơn 7.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Đức.
Quan hệ hai nước, tuy vậy, cũng đã gặp những khó khăn vào năm 2017 khi Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam đã bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh - một cựu quan chức ngành dầu khí Việt Nam bị buộc tội tham nhũng - ngay tại Berlin. Vào lúc đó, ông Trịnh Xuân Thanh đang chờ xin quy chế tị nạn tại Đức.
Sau vụ bắt cóc này, Đức đã quyết định đóng băng mối quan hệ chiến lược với Việt Nam và yêu cầu Hà Nội phải trao trả ông Trịnh Xuân Thanh về Đức để làm đúng thủ tục pháp lý cần thiết.
Hà Nội khẳng định ông Trịnh Xuân Thanh đã tự về nước đầu thú và cho chiếu hình ảnh ông Thanh đầu thú trên truyền hình nhà nước để minh chứng cho điều này.
Quan hệ hai nước được nối lại bình thường vào cuối năm 2018.
Tuy nhiên, các toà án Đức vẫn tiếp tục xét xử các nghi can liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Mới đây nhất là phiên toà xét xử ông Lê Anh Tú tại Toà Thượng thẩm Berlin bắt đầu hôm 2/11 vừa qua. Người này bị cho là mật vụ của Việt Nam và đã hỗ trợ và tiếp tay trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Nguồn: RFA
© 2024 | Thời báo ĐỨC