Đức - "Người khổng lồ" đơn độc trong lòng châu Âu

Từng được tờ Economist mô tả là “người đàn ông ốm yếu” của châu Âu năm 1999, giờ đây Đức đã trở thành nền kinh tế lớn nhất và hùng mạnh nhất của lục địa này. Đức đóng góp tới 1/5 tổng GDP châu Âu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Từ Volkswagen đến SAP, các công ty của Đức được cả thế giới biết đến.

Bên cạnh đó là vô vàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ nổi trội trong các thị trường ngách được ví như “xương sống” của nền kinh tế Đức.

Tỷ lệ thất nghiệp ở đây rất thấp so với mức trung bình ở châu Âu. Ngân sách được cân bằng, tỷ lệ nợ chính phủ đang giảm chứ không tăng và lợi suất trái phiếu dài hạn ở mức thấp nhất châu Âu. Đây là chủ nợ lớn nhất của eurozone, và nước Đức đóng vai trò quyết định đối với vận mệnh của đồng tiền chung..

Gánh nặng đang đè lên vai nước Đức.

Vương quốc Anh có nền kinh tế èo uột và đang ngấp nghé rời khỏi Liên minh châu Âu trong tình cảnh sức ảnh hưởng ngày càng suy giảm. Trong khi đó mối quan hệ giữa Đức và Pháp lung lay hơn bao giờ hết. Khi mà kinh tế Pháp ngày càng bị Đức bỏ xa,

Đức - Người khổng lồ đơn độc trong lòng châu Âu - 0

Thủ tướng Angela Merkel trở thành chính trị gia quan trọng nhất ở châu Âu. Ở Bắc Kinh hay Washington, câu hỏi “Châu Âu sẽ đi về đâu” được cho là đồng nghĩa với “Nước Đức muốn gì?”

Trong một thập kỷ vừa qua, châu Âu đã trải qua tới hai cuộc khủng hoảng và trong cả hai đều có dấu ấn của nước Đức mà đặc biệt là Thủ tướng Merkel. Trong cuộc khủng hoảng nợ đe dọa sẽ khiến đồng euro tan vỡ, mọi ý kiến đều phải được Đức thông qua vì đây là “đầu tàu kinh tế” của châu Âu và chỉ có Đức mới có đủ tiềm lực để giúp châu Âu thoát khỏi vũng lầy. Chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc cũng là điều mà bà Merkel cương quyết theo đuổi.

Còn trong cuộc khủng hoảng di cư mới đây, Đức một lần nữa phải thể hiện vai trò lãnh đạo. Ngày 31/8, bà Merkel đưa ra lời kêu gọi khẩn thiết, cảnh báo rằng đối với tương lai của EU mà nói, cuộc khủng hoảng người tị nạn này sẽ để lại những hậu quả còn tệ hơn cả khủng hoảng kinh tế. “Nếu châu Âu không thể giải câu đố về người tị nạn, đó không phải là châu Âu mà chúng ta vẫn mong ước”, bà nói. Đức đã tiên phong mở cửa chào đón người tị nạn.

Tuy nhiên, vị thế và vai trò của Đức ở châu Âu vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi.

Henry Kissinger từng đưa ra nhận định nổi tiếng rằng Đức là quốc gia “quá lớn so với châu Âu nhưng lại quá nhỏ so với thế giới”. Nhiều người lo sợ Đức đang trở nên quá cao ngạo và cứng nhắc. Có không ít những bức biếm họa trên các tờ báo ở Nam Âu thể hiện hình ảnh bà Merkel tương đồng với trùm phát xít Hitler. Các chính trị gia Nam Âu buộc tội Đức quá ích kỷ khi gượng ép họ phải thắt lưng buộc bụng trong khi nền kinh tế đang khốn khó chỉ để bảo vệ lợi ích của những người nộp thuế ở Đức.

Chính sách chào đón người nhập cư cũng vấp phải sự phản đối. Loạt tấn công tình dục ở Cologne trước thềm năm mới thử thách lòng kiên nhẫn của nước Đức. Vừa mới trở thành biểu tượng cho lương tri của cả châu Âu, bà lại trở thành "tội đồ" trong suy nghĩ của không ít người dân. Sau nhiều năm cầm quyền, chính chiếc ghế Thủ tướng của bà Merkel cũng đang bị lung lay.

Một số người cũng lo ngại Đức quá thụ động. Ngoại trưởng Ba Lan lo sợ rằng Đức không muốn cũng như không thể đảm nhiệm tốt vị trí bá chủ châu Âu. Giáo sư William Paterson của ĐH Aston (Anh) gọi Đức là “kẻ bá chủ do dự”.

6 năm trôi qua kể từ khủng hoảng nợ, nguy cơ châu Âu tan rã lại đang hiện hữu ở thời điểm hiện tại, khi chỉ còn ít ngày nữa người dân Anh sẽ bước vào cuộc trưng cầu dân ý về việc ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu. Dù không sử dụng đồng tiền chung euro, sự ra đi của Anh sẽ có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế chính trị của châu lục này, đặc biệt là có thể tạo ra tiền lệ xấu chia rẽ một châu Âu thống nhất.

Bên cạnh những mối nguy Brexit là một khối các nền kinh tế chưa thể thoát khỏi bóng ma khủng hoảng để tăng trưởng mạnh mẽ. Tăng trưởng GDP ở mức quá thấp dù NHTW châu Âu vẫn miệt mài bơm tiền và đã sử dụng đến cả lãi suất âm. Dù đã giảm đáng kể, tỷ lệ thất nghiệp (đặc biệt là trong giới trẻ) vẫn đang ở mức cao chót vót.

Lần này nước Đức sẽ đóng vai trò như thế nào đối với tương lai của châu Âu? Bằng một vài bài viết, chúng tôi mong muốn sẽ đem đến cho bạn đọc một cái nhìn tổng quan cũng như những nét riêng biệt đáng để học tập của Đức và cả những khó khăn thách thức mà “người anh cả” của châu Âu phải đối mặt.

 

Thu Hương - Theo Trí thức trẻ


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày