Nhiều vùng trên toàn nước Đức trải qua mức nhiệt từ 34°C đến 38°C, cá biệt ở khu vực Tây và Tây Nam có nơi lên tới 40°C.
Trong bối cảnh nhiều người dân Đức không quen và không thể thích nghi với mức nhiệt cao như vậy, Bộ Y tế nước này đã khuyến cáo người dân về cách giữ gìn sức khỏe trong đợt nắng nóng. Theo đó, ngoài việc uống nhiều nước, người dân cần luyện tập các hoạt động thể chất vào những thời điểm mát mẻ hơn trong ngày như buổi sáng và buổi tối, giữ nhà cửa thoáng mát và sử dụng kem chống nắng.
Giới chức Đức đã ban bố “cảnh báo đỏ” tại hầu khắp các khu vực trong cả nước khi nhiệt độ tăng lên đến 40°C. Theo dự báo, luồng nhiệt sẽ di chuyển về phía Đông và sẽ giảm nhẹ vào ngày 21/7 khi có dông.
Trước đó, vào năm 2019, Trung tâm Dịch vụ Thời tiết Đức (DWD) cho biết, nhiệt độ cao nhất tại Đức được ghi nhận trong ngày 25/7 là 42,6°C, mức cao kỷ lục. Mức nhiệt này được ghi nhận tại thị trấn Lingen thuộc bang Niedersachsen, vùng Tây Bắc nước Đức. Cũng tại địa điểm này, nhiệt độ đã trước đó đã hai lần phá kỷ lục ngay trong ngày 25/7, với các mức 42°C và 42,5°C.
Vòi rồng của cảnhsát phun nước chữa cháy rừng ở Treuenbrietzen, Đức, ngày 19/6/2022. (Ảnh: AP)
Nắng nóng đã khiến cuộc sống bị đảo lộn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân tại Đức. Nguy cơ đuối nước tăng cao vì nhu cầu tắm tại các sông, hồ của người dân tăng mạnh. Nắng nóng cũng luôn đi kèm với nguy cơ dẫn đến những vụ cháy, đặc biệt là cháy rừng.
Chất lượng cơ sở hạ tầng cũng bị nắng nóng gây ảnh hưởng, mặt đường trải thảm nhựa trở nên mềm hơn và có nguy cơ xảy ra tai nạn khi các xe di chuyển với tốc độ cao.
Trong hơn hai thập kỷ qua, châu Âu đã trải qua 5 mùa hè nóng nhất kể từ năm 1500. Các đợt nắng nóng thường xuyên và kéo dài ở châu Âu đang là vấn đề được quan tâm nhất, đặc biệt sau những trận cháy rừng tàn khốc và nhiệt độ oi bức được dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận các mức kỷ lục ở Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy trong tuần này.
Theo VTV
© 2024 | Thời báo ĐỨC