Tình trạng "sức khỏe" tốt của thị trường chứng khoán châu Âu so với Phố Wall đã thu hút các nhà đầu tư từ bên ngoài đổ xô tới “lục địa già” để tìm cơ hội làm ăn.
Theo giới quan sát, đồng Euro mạnh kéo lạm phát giảm theo, điều này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu duy trì lạm phát ở mức 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đồng thời cũng khiến các biện pháp siết chặt tiền tệ bị chậm trễ.
Đồng tiền chung châu Âu được lợi bởi đà tăng trưởng kinh tế, trong khi các nguy cơ về bất ổn chính trị đã giảm rõ rệt tại châu Âu.
Nhà kinh tế của tập đoàn Natixis, ông Patrick Artus, đã đưa ra một cách giải thích khác về xu hướng tăng giá của đồng tiền chung châu Âu. Ông cho rằng tình trạng "sức khỏe" tốt của thị trường chứng khoán châu Âu so với Phố Wall đã thu hút các nhà đầu tư từ bên ngoài đổ xô tới “lục địa già” để tìm cơ hội làm ăn.
Theo nhà kinh tế học của Ngân hàng Trung ương Pháp, Sophie Haincourt, từ giữa năm 2015 đồng Euro đã trên đà tăng và điều này làm giảm tăng trưởng của các nước Eurozone ở mức 0,2%. Trước đó, sự suy giảm của đồng Euro trong khoảng thời gian giữa năm 2014 và 2015 đã giúp kinh tế khu vực đồng Euro tăng thêm 0,5 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, tất cả các nước châu Âu không chịu ảnh hưởng theo cùng một cách.
Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy một tình huống trái ngược: giá trị đồng euro được cho là quá cao với một số quốc gia nhưng với những nước khác lại là quá thấp.
IMF cho rằng tại một số quốc gia như Đức, đồng Euro đang bị định giá thấp từ 10% đến 20%.
Trong khi đó đối với các nước nhỏ của khu vực đồng tiền chung châu Âu nó lại đang bị đánh giá cao từ 5% đến 20%. Đồng Euro bị định giá cao sẽ kéo theo sự tái phân phối thị phần xuất khẩu giữa các nước châu Âu.
Theo IMF, trước khi cuộc khủng hoảng năm 2008 diễn ra, có tới 40% các công dân đặt niềm tin vào đồng euro và ECB.
Tuy nhiên tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 28% vào năm 2016.
Sự tin tưởng của các công dân đối với ECB suy giảm nhưng sự ủng hộ của người dân đối với đồng Euro vào năm 2017 lại khá ổn định với 45% số người được hỏi có phản hồi tích cực.
Người châu Âu chỉ trích ECB đã không phản ứng đầy đủ sau cuộc khủng hoảng hoặc đã dùng biện pháp không hiệu quả. Các ý kiến phản đối xuất hiện nhiều tại các quốc gia phải chịu nhiều mất mát trong cuộc khủng hoảng.
Mặc dù nhiệm vụ của ECB là tập trung kiểm soát lạm phát quanh mức 2%, nhiều người vẫn cho rằng cơ quan này phải chịu trách nhiệm về tình trạng trì trệ của nền kinh tế. Cụ thể vào mùa Xuân vừa qua, có ít nhất 1/5 người châu Âu được hỏi bày tỏ không tin tưởng vào cả đồng Euro lẫn ECB, điều này cho thấy tình trạng gia tăng của trào lưu dân túy và tư tưởng bài châu Âu.
TTXVN
© 2024 | Thời báo ĐỨC