Anton Oberländer là một diễn giả có sức thuyết phục. Năm ngoái, khi cậu và một nhóm bạn tổ chức chuyến đi cắm trại đến Cornwall nhưng thiếu tiền, cậu tìm cách nói chuyện với nhà điều hành đường sắt quốc gia Đức để có được một số vé miễn phí. Nhà điều hành đường sắt Đức rất ấn tượng với hành động này và mời cậu ta đến công ty để diễn thuyết trước 200 nhân viên của công ty.
Anton, thực ra là cậu bé mới 14 tuổi.
Cậu bé tự tin này là sản phẩm của một hình thức giáo dục độc đáo, khác xa với các phương cách giảng dạy truyền thống. Ở trường của Anton Oberländer, những sinh viên dưới 15 tuổi không được phân chia thành các lớp học khác nhau, không có thời gian biểu và không có bài giảng. Các em học sinh quyết định môn học mình muốn nghiên cứu và lên kế hoạch khi nào sẽ tham gia kỳ thi.
Thích nghi với sự thay đổi
Về các môn học, những môn như toán, tiếng Đức, tiếng Anh và các môn xã hội không được chú trọng trong khi các khóa học có vẻ trừu tượng như “trách nhiệm” và “thách thức” chiếm thời lượng lớn. Chẳng hạn với khóa học về thử thách, học sinh độ tuổi từ 12-14 được cho 150 Euro để thực hiện một cuộc phiêu lưu mà họ phải tự lên kế hoạch hoàn toàn. Một số đi thuyền kayak, những người khác đến các nông trại để làm việc. Anton quyết định đi du lịch dọc theo bờ biển phía Nam nước Anh.
Một giáo viên đang trao đổi với học sinh ở trường ESBC. Nguồn: Guardian
Triết lý đằng sau những đổi mới này rất đơn giản: khi các yêu cầu của thị trường lao động đang thay đổi, điện thoại thông minh và Internet đang biến đổi cách thức mà những người trẻ xử lý thông tin, hiệu trưởng của trường nơi Anton theo học, Margret Rasfeld, lập luận rằng kỹ năng quan trọng nhất của một trường học có truyền tải cho học sinh là khả năng tạo động lực cho bản thân.
Trường Trung tâm Berlin Evangelical (ESBC), nơi bà Margret Rasfeld làm hiệu trưởng, đang cố gắng làm gì khác hơn những gì các trường học thông thường đang làm. “Nhiệm vụ của một trường học tiến bộ nên là chuẩn bị cho những người trẻ thích nghi với sự thay đổi, hoặc giúp họ nhìn về phía trước để thay đổi. Trong thế kỷ 21, các trường nên xem công việc của mình là phát triển các cá tính mạnh mẽ”.
Rasfeld cho rằng, bắt học sinh phải nghe một giáo viên giảng trong 45 phút và phạt học sinh vì nhìn bài bạn là biện pháp được áp dụng ở nhiều trường học nhưng phản tác dụng. “Không có gì thúc đẩy học sinh nhiều hơn khi tự họ khám phá ra ý nghĩa đằng sau một môn học theo cách riêng của họ”.
Tạo thay đổi từ phía dưới
Học sinh của trường ESBC được khuyến khích nghĩ ra những cách khác để chứng minh kỹ năng của họ, chẳng hạn như mã hóa một trò chơi máy tính thay vì tham gia một kỳ thi toán học. Anton Oberländer, người chưa bao giờ xa nhà trong ba tuần cho đến khi cậu bắt đầu thử thách mình ở Cornwall, cho biết trong chuyến đi của mình đến Anh, cậu đã học được nhiều tiếng Anh hơn những gì cậu đã học trong nhiều năm học ngoại ngữ ở trường.
Nhiều trường đang áp dụng phương pháp giảng dạy của ESBC. Nguồn: Guardian
Lý do chính mà ESBC nổi danh như một trường học thú vị nhất của Đức, đó là triết lý thực nghiệm của nó đã đem đến kết quả ấn tượng. Những năm gần đây, điểm số của học sinh trường Rasfeld rất cao. Mở cửa vào năm 2007 với chỉ 16 sinh viên, trường hiện đang hoạt động hết công suất, với 500 học sinh và danh sách chờ đang rất dài.
Mặc dù ESBC là một trong 5.000 trường tư của Đức với học phí khoảng 6.636 Euro một năm, khoảng 5% số học sinh được học miễn phí.
Tuy nhiên, ngay cả bà Rasfeld cũng thừa nhận rằng việc tìm kiếm các giáo viên phù hợp với phương pháp học tập của nhà trường khó hơn việc tuyển học sinh.
Đã 65 tuổi và sẽ nghỉ hưu vào tháng 7 này, Rasfeld vẫn có kế hoạch đầy tham vọng – xây dựng một “phòng thí nghiệm đổi mới giáo dục” đặt cơ sở ở nhà trường nhằm xây dựng tài liệu giảng dạy cho các trường học theo mô hình của ESBC. Khoảng 40 trường học ở Đức đang trong quá trình áp dụng một số hoặc tất cả các phương pháp của Rasfeld. Quận Weissensee của Berlin gần đây cho phép một sinh viên đi khám phá dãy Alps trong một dự án thử thách.
Bà Rasfeld nói: “Trong giáo dục, bạn chỉ có thể tạo ra sự thay đổi từ dưới – nếu có các mệnh lệnh từ trên xuống, các trường sẽ chống lại. Các Bộ giống như tàu chở dầu khổng lồ: phải mất thời gian lâu để xoay chuyển. Những gì chúng ta cần là rất nhiều xuồng nhỏ để có thể làm những việc khác nhau”.
Hà An
(theo Guardian)
© 2024 | Thời báo ĐỨC