Dù Liên minh châu Âu (EU) đã tung đòn trừng phạt đối với dầu và than đá của Nga, song dường như lệnh cấm tương tự với khí đốt khó xảy ra. Các nước EU, trong đó có Đức và Italy phải thừa nhận sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn khí đốt của Nga.
Nếu nguồn cung bị ngừng đột ngột, việc tìm kiếm giải pháp thay thế cho loại năng lượng này sẽ nan giải hơn nhiều so với than và dầu.
Nga đã tuyên bố chấm dứt cung cấp khí đốt cho một số quốc gia châu Âu. Điều này buộc Đức và EU phải sẵn sàng các phương án đối phó trong trường hợp Moskva khóa van khí đốt sang thị trường châu Âu.
Nga khóa van khí đốt sang Đức?
Ban đầu, cả Nga và các khách hàng của Moskva đều khẳng định hoạt động kinh doanh khí đốt sẽ không bị ảnh hưởng bởi những diễn biến xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp của Nga khiến các nhà nhập khẩu phương Tây lo ngại, bởi điều đó cho thấy Chính phủ Nga đã sẵn sàng sử dụng khí đốt như công cụ để tác động đến các nhà hoạch định chính sách của EU. Đáp lại động thái đó, nhiều nước EU tuyên bố sẽ không chấp nhận thay đổi hợp đồng.
Kể từ giữa tháng 6, Nga đã thẳng tay cắt giảm nguồn cung khí đốt cho một số nước châu Âu vì họ không tuân thủ việc thanh toán bằng đồng rúp, trong đó có Ba Lan, Bulgaria, Hà Lan và Phần Lan. Viễn cảnh đó vẫn chưa xảy đến với Đức và Italy.
Tháng 5, EU chấp nhận nhượng bộ trong vấn đề khí đốt. Nhờ đó, một số khách hàng đã chấp nhận yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp của Moskva. Sự nhượng bộ này chỉ có thể giúp nguồn cung khí đốt của châu Âu ổn định trong ngắn hạn. Về dài hạn, Đức đã đặt mục tiêu cắt giảm hầu hết khí đốt của Nga vào năm 2024.
Tuy nhiên, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga mới đây tuyên bố giảm khoảng 60% lượng khí đốt từ Nga sang Đức qua đường ống Nord Stream. Lý do Gazprom đưa ra là công ty Siemens của Đức không cung cấp thiết bị cần thiết cho việc vận chuyển. Gazprom không nêu rõ việc cắt giảm sẽ diễn ra trong bao lâu.
Trước quyết định đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết các kho chứa khí đốt của nước này sẽ không thể được lấp đầy theo kế hoạch. Cụ thể, Nord Stream sẽ ngừng hoạt động từ ngày 11 - 21/7 để bảo trì thường niên.
Không chỉ vậy, hoạt động của đường ống Nord Stream còn phụ thuộc vào diễn biến của cuộc khủng hoảng Ukraine và quá trình trừng phạt lẫn nhau giữa các nước phương Tây và Nga. Do đó, kho dự trữ khí đốt của Đức khó có thể đầy trước mùa đông.
Hậu họa tức thì
Khí đốt tự nhiên chiếm gần 27% tổng tiêu thụ năng lượng của Đức vào năm 2021 - phần lớn được sử dụng để sưởi ấm và dùng trong công nghiệp, trong khi việc sản xuất điện chỉ chiếm khoảng 15%. Từ khi Moskva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Đức đã nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga từ khoảng 55% vào tháng 2 xuống còn 35% vào tháng 5.
Tuy nhiên, nước này vẫn phải đối mặt với thách thức lớn trong việc tìm nguồn năng lượng thay thế. Tính đến giữa tháng 6, các kho chứa khí đốt của Đức mới hoạt động hết 55% công suất. Trong khi đó, Chính phủ Đức yêu cầu tất cả nhà khai thác phải lấp đầy ít nhất 90% kho chứa vào tháng 11 và tích trữ ít nhất 40% vào tháng 2/2023.
Theo Giám đốc Cơ quan mạng lưới liên bang Đức - ông Klaus Muller, nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Đức qua đường ống Nord Stream, phản ứng của phía Đức sẽ phụ thuộc vào mức tiêu thụ sau khi nguồn cung bị cắt, tình trạng các kho xăng và những sản phẩm thay thế sẵn có từ nguồn cung khác.
Trước tình hình đó, ông Klaus Muller cho rằng Đức cần nhanh chóng quyết định có ban bố tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn sự hỗn loạn của thị trường.
Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, đối tượng “khách hàng cần bảo vệ” sẽ được ưu tiên khi phân bổ khí đốt - bao gồm các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ (tiệm bánh, siêu thị) và các dịch vụ xã hội thiết yếu (bệnh viện, trường học, đồn cảnh sát hoặc nhà sản xuất thực phẩm).
Những công ty có “hợp đồng gián đoạn” sẽ bị cắt nguồn cung đầu tiên, tiếp theo là các nhà máy điện khí không có vai trò quan trọng đối với sự ổn định của mạng lưới điện, sau đó là các tập đoàn công nghiệp lớn - chiếm khoảng 37% nhu cầu khí đốt của Đức vào năm 2021 .
Tuy nhiên, ông Klaus Muller lưu ý còn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quá trình cắt giảm nguồn khí đốt, khiến việc lên kế hoạch thiết lập lịch trình phân bổ năng lượng cụ thể rất khó khăn.
“Không thể đưa tất cả các yếu tố này vào một trật tự rõ ràng. Các quyết định cuối cùng sẽ cần được đưa ra trên cơ sở từng trường hợp cụ thể", ông Klaus Muller nói.
Việc thiếu khí đốt cũng có thể ảnh hưởng đến sản lượng của các nhà sản xuất hóa chất, thép, phân bón hoặc thủy tinh. Hơn nữa, một số thiết bị công nghiệp sẽ bị hư hại vĩnh viễn nếu không hoạt động trong một thời gian dài. Do vậy, các công ty đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng, nguy cơ thiệt hại lan rộng ra toàn bộ nền kinh tế Đức.
Đức lên kế hoạch đối phó
Cuối tháng 3, Đức đã khởi động giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt. Theo đó, giai đoạn "cảnh báo sớm" được đưa ra, như là một biện pháp phòng ngừa bởi nguồn cung năng lượng vẫn chưa bị đe dọa vào thời điểm đó. Giai đoạn này ít gây hậu quả tức thì cho người tiêu dùng và giúp chuẩn bị trước cho một cuộc khủng hoảng lớn hơn.
Berlin đã thành lập nhóm ứng phó khủng hoảng bao gồm các đại diện từ bộ năng lượng, các cơ quan, nhà khai thác điện và kho chứa cùng nhiều nhà bán lẻ khí đốt để theo dõi diễn biến và chuẩn bị các phản ứng thích hợp.
Giai đoạn thứ hai trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt của Đức là “giai đoạn báo động” - giai đoạn này sẽ được kích hoạt khi có sự gián đoạn nguồn cung hoặc nhu cầu cao bất thường có thể khiến thị trường mất cân bằng. Khi đó, chính phủ vẫn chưa trực tiếp can thiệp vào việc phân phối khí đốt.
Cuối cùng, "giai đoạn khẩn cấp" sẽ được kích hoạt khi tình hình nguồn cung xấu đi. Trong giai đoạn này, Berlin sẽ tiến hành phân bổ khí đốt. Theo đó, Cơ quan mạng lưới liên bang Đức tiếp nhận phân bổ từ các đơn vị vận hành lưới điện theo những tiêu chí đã được thiết lập trước đó.
Ngoài ra, Đức có thể nhận được hỗ trợ nhờ quy định nguồn cung cấp khí đốt an toàn do EU ban hành vào năm 2017. Cụ thể, thành viên EU phải hỗ trợ lẫn nhau về nguồn cung cấp khí đốt trong trường hợp thiếu hụt - các nước sẽ được yêu cầu thực hiện các thỏa thuận kỹ thuật, pháp lý và tài chính cần thiết để tiến hành cung cấp khí đốt. Trước đây, Đức đã thực hiện các thỏa thuận pháp lý để hỗ trợ cho với Đan Mạch và Áo.
Chính phủ Đức cùng liên minh các nhóm doanh nghiệp phát động chiến dịch nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Nga và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo nhằm khuyến khích người dân tiết kiệm năng lượng, hạ nhiệt độ sưởi và hạn chế sử dụng nước ấm. Việc này có thể giảm đáng kể nhu cầu khí đốt trong các hộ gia đình - vốn chiếm khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt của Đức vào năm 2021.
Ảnh hưởng lâu dài
Các viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức cho biết việc mất nguồn cung khí đốt từ Nga có thể đẩy nền kinh tế Đức vào “một cuộc suy thoái nghiêm trọng”. Khi đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm từ mức dự kiến 2,7% vào năm 2022 xuống còn 1,9%.
GDP của Đức có nguy cơ sụt giảm hơn 2% vào năm 2023. Tổn thất về GDP do mất nguồn cung cấp khí đốt có thể lên tới 231 tỷ USD vào cuối năm sau, tương đương 6,5% tổng sản lượng kinh tế hàng năm của Đức.
Theo nghiên cứu của Đại học Mannheim, hậu quả của việc cắt giảm khí đốt có thể lớn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hoặc ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vào năm 2020, ước tính thiệt hại về GDP vào khoảng 8%.
“Cú sốc năng lượng này sẽ tấn công trực tiếp vào cốt lõi của ngành công nghiệp Đức và làm giảm mạnh tiềm năng sản xuất”, theo báo cáo của Mannheim.
Tuy nhiên, các viện nghiên cứu hàng đầu cảnh báo, Chính phủ Đức không nên thay đổi những cơ cấu cần thiết nhằm cố gắng tránh thiệt hại trong ngắn hạn.
Theo chuyên gia năng lượng Andreas Löschel, giá nhiên liệu hóa thạch tăng được cho là cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các nước chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch.
“Dù những khách hàng sẽ phải móc hầu bao nhiều hơn và các công ty sẽ phải linh hoạt để ứng phó với sự tăng giá nhiêu liệu song giá cả thường do thị trường quyết định”, ông Löschel nói, cho rằng mức giá cao sẽ nâng cao nhận thức về “tính cấp thiết” của tình hình và thúc đẩy các chương trình tiết kiệm năng lượng quy mô lớn.
Về các lựa chọn thay thế cho nguồn cung cấp khí đốt của Nga, ông Löschel cho rằng không nên thay thế các hợp đồng dài hạn với Nga bằng những hợp đồng tương tự với các quốc gia khác bởi nhu cầu trong tương lai có thể giảm. “Khí đốt vẫn giữ vai trò quan trọng trong nhiều năm tới, nhưng số lượng mà chúng ta cần sẽ thấp hơn hiện tại”, ông nói.
Kông Anh
Nguồn: vtc.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC