Đảng Dân chủ xã hội Đức không tham gia đàm phán chính phủ mới

Việc các chính đảng tại Đức không đạt được thỏa thuận hình thành một liên minh là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chính trị ở nước này.

Trong một tuyên bố ngày 20/11, Đảng Dân chủ xã hội (SPD) một lần nữa khẳng định chủ trương không tham gia đàm phán thành lập chính phủ liên minh, bất kể các diễn biến trên chính trường hiện nay.

Trên Twitter, Phó Chủ tịch SPD Ralf Stegner nêu rõ việc đảng Dân chủ Tự do (FDP) từ chối liên minh cùng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Xanh "không làm thay đổi quan điểm của SPD."

Trước đó, Chủ tịch SPD Martin Schulz cũng tuyên bố đảng này đã sẵn sàng cho cuộc bầu cử mới. Các tuyên bố của lãnh đạo SPD được đưa ra ngay sau khi đàm phán liên minh thành lập chính phủ mới ở Đức giữa liên đảng CDU/CSU, FDP và đảng Xanh kết thúc trong thất bại nặng nề rạng sáng 20/11 (theo giờ địa phương), khi đại diện FDP tuyên bố rút lui khỏi đàm phán sau bốn tuần thương lượng căng thẳng.

Đảng Dân chủ xã hội Đức không tham gia đàm phán chính phủ mới - 0

Phó Chủ tịch SPD Ralf Stegner. (Nguồn: DPA)

Chủ tịch FDP Christian Lindner cho biết lãnh đạo bốn đảng tham gia đàm phán đã không có niềm tin hay một ý tưởng chung cho sự hiện đại hóa đất nước - điều kiện tiên quyết cho một chính phủ ổn định. Chính trị gia FDP, ông Voker Wissing cho biết các bên tham gia đàm phán không đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề, như chính sách giáo dục, tài chính và người di cư.

Tuy nhiên, quan điểm đàm phán của FDP đã bị liên đảng bảo thủ và đảng Xanh lên tiếng chỉ trích. Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ thất vọng trước việc đàm phán thất bại, cho biết liên đảng bảo thủ đã tìm hết cách để các bên có thể đi tới một tiếng nói chung, song không thể thu hẹp bất đồng về các vấn đề như phát triển kinh tế, bảo vệ khí hậu và các vấn đề xã hội. 

Nữ Chủ tịch đảng Xanh Simone Peter chỉ trích FDP "vô trách nhiệm," làm công chúng thất vọng sau bốn tuần đàm phán, trong khi đồng Chủ tịch đảng Xanh Cem Özdemir cũng chỉ trích FDP không có tinh thần sẵn sàng đàm phán để thành lập chính phủ liên minh ngay từ khi bắt đầu các cuộc đàm phán thăm dò.

Dự kiến trưa 20/11 theo giờ địa phương, Thủ tướng Merkel sẽ làm việc với ban lãnh đạo đảng CDU để thảo luận về các bước đi tiếp theo trong bối cảnh hiện nay. Cũng trong ngày 20/11, bà Merkel sẽ báo cáo việc đàm phán thành lập chính phủ đổ vỡ lên Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, người có quyền kêu gọi một cuộc bầu cử mới.

Truyền thông Đức đồn đoán Thủ tướng Merkel có thể quay lại kêu gọi đàm phán với SPD, vốn là đối tác của liên minh CDU/CSU trong bốn năm qua, song khả năng này hầu như không có khi SPD đã kiên quyết không tham gia đàm phán thành lập chính phủ.

Kịch bản thứ 2 là CDU/CSU liên minh với đảng Xanh thành lập chính phủ thiểu số, song một chính phủ như vậy sẽ không ổn định và cũng không phải là điều mong muốn của Thủ tướng Merkel. Kịch bản được nhiều ý kiến nhìn nhận dễ xảy ra là nước Đức phải tiến hành bầu cử lại. Theo kịch bản này, Tổng thống Steinmeier trước hết sẽ giải tán Quốc hội liên bang và kêu gọi tổng tuyển cử mới. Tuy nhiên, đây là điều các chính đảng không mong muốn xảy ra do lo ngại đảng cánh hữu "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD) có cơ hội giành thêm ghế tại cơ quan lập pháp Đức.

Thị trường đã có phản ứng ngay khi kết quả đàm phán thành lập chính phủ liên minh ở Đức thất bại. Mở phiên giao dịch sáng 20/11 tại thị trường châu Á, đồng euro đã mất giá và xuống mức thấp nhất trong hai tháng qua so với đồng yen. Cụ thể, đồng euro đã rơi xuống mức 1 euro ăn 131,16 yen, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 9/2017. So với đồng USD, đồng euro cũng giảm giá 0,5%, xuống 1 euro đổi được 1,1735 USD.

 

Theo TTXVN


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày