Trước đó ngày 27/3, hàng triệu người sử dụng phương tiện công cộng để đi làm tại Đức đã gặp phải sự gián đoạn nghiêm trọng do các nhân viên ngành vận tải cả nước tổ chức một cuộc đình công lớn nhằm yêu cầu tăng lương. Nhân viên tại các sân bay, bến cảng, đường sắt, xe bus và tàu điện ngầm trên khắp nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã nghe theo lời kêu gọi từ các công đoàn Verdi và EVG và tham gia vào cuộc tuần hành.
Do cuộc đình công này, công ty đường sắt nhà nước Deutsche Bahn (DB) đã đình chỉ hoàn toàn tất cả các chuyến tàu đường dài trong khi nhiều tuyến khác trong khu vực và địa phương bị đình trệ. Hiệp hội sân bay Đức cũng ước tính khoảng 380.000 hành khách đi máy bay ngày hôm đó bị ảnh hưởng. Đây là cuộc đình công lớn nhất trong nhiều năm qua tại Đức.
Vì vậy, vòng đám phán lương cho người lao động thuộc lĩnh vực công giữa các công đoàn và các nhà tuyển dụng đã được phát động và đã hoàn thành vào ngày 29/3 theo Reuters. Trong suốt các cuộc đàm phán này, các công đoàn mong muốn mức tăng lương 10,5% cho khoảng 2,5 triệu người lao động của mình.
Tuy nhiên, các yêu cầu này không được chấp nhận và cuộc đàm phán kết thúc trong thất bại. Thay vào đó, các nhà tuyển dụng hy vọng có thể sử dụng khoản thanh toán một lần được miễn thuế bổ sung trị giá 3.260 USD để bù đắp cho lạm phát và khiến các công đoàn bỏ đi đề nghị tăng lương của mình.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser, trưởng đoàn đàm phán của chính phủ, cho biết các nhà chức trách “đã đi một chặng đường dài hướng tới việc hỗ trợ các công đoàn”. Tuy nhiên, bà cho biết “các công đoàn chưa sẵn sàng cho một thỏa thuận” và do đó chính phủ đã buộc phải khởi động thủ tục tố tụng trọng tài.
Về mặt lý thuyết, quy trình tố tụng trọng tài là một thủ tục trong đó tranh chấp được đệ trình theo thỏa thuận của các bên cho một hoặc nhiều trọng tài viên – những người đưa ra quyết định ràng buộc về tranh chấp. Khi lựa chọn trọng tài, các bên lựa chọn thủ tục giải quyết tranh chấp riêng tư thay vì ra tòa.
Các công đoàn sẽ buộc phải tuân theo quy trình này và đồng thời sẽ phải tạm dừng bất kỳ hành động đình công nào trong những tuần tới cho đến khi một ủy ban gồm đại diện của cả hai bên và các nhà quan sát độc lập trình bày giải pháp đề xuất của họ. Thời gian hoàn thành dự kiến cho việc này là vào khoảng nửa cuối tháng 4.
Do đó, có khả năng cao thời gian du lịch và tận hưởng lễ Phục sinh của người dân Đức sẽ không bị gián đoạn. Tuy nhiên, vẫn có khả năng nhiều cuộc đình công hơn sẽ diễn ra nếu các công đoàn và người sử dụng lao động không đồng ý với sự giúp đỡ của ủy ban.
Là một ngày lễ quan trọng đối với tín đồ đạo Kito, lễ Phục sinh kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Jesus vào ngày thứ 3 sau khi Ngài bị Đóng đinh trên thập tự giá. Lễ Phục sinh thường được tổ chức vào ngày chủ nhật đầu tiên sau ngày trăng tròn đầu tiên sau ngày xuân phân (21/3). Do đó, Lễ Phục sinh có thể rơi vào bất kỳ chủ nhật nào trong khoảng thời gian từ ngày 22/3 đến ngày 25/4. Lễ Phục sinh năm 2023 sẽ rơi vào ngày 9/4.
Nhận định về động thái này, ông Frank Werneke, giám đốc công đoàn Verdi, tuyên bố: “Mặc dù phong trào đã thể hiện mục tiêu rất rõ ràng, các nhà tuyển dụng vẫn chưa sẵn sàng nhượng bộ và cung cấp cho người lao động số tiền tối thiểu”.
Trong năm 2022, giá tiêu dùng tăng 9,6% ở Đức và gây ra áp lực lớn tới chi tiêu của người dân. Dù áp lực giá cả đã giảm bớt trong những tháng gần đây sau khi cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa đông không thành hiện thực và khi các vấn đề về chuỗi cung ứng giảm bớt, lạm phát vẫn lên tới 8,7% trong tháng 2/2023.
Trong bối cảnh đó, các nhà tuyển dụng đã cáo buộc các công đoàn lao động góp phần gây ra tình trạng lạm phát thông qua các yêu cầu tăng lương. Tuy nhiên, các công đoàn phản đối khi cho rằng người lao động đang phải chịu gánh nặng khi chi phí sinh hoạt tăng vọt.
Nguồn: mekongasean.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC