Ông Christian Wulff là nguyên thủ đầu tiên của Đức phát biểu tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ
Tờ Bild am Sonntag hôm 6-8 đưa tin, ông Christian Wulff làm việc cho công ty con của chuỗi thương hiệu thời trang Yargici có trụ sở ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ từ cuối tháng 4-2017, ngay trước khi công ty mở cửa hàng đầu tiên tại Đức.
Phản ứng trước việc này, một số ý kiến chỉ trích cựu Tổng thống Đức vì cho rằng công việc mới của ông làm ảnh hưởng đến giá trị của một cựu nguyên thủ quốc gia. Ông Ralf Stegner, Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), người đầu tiên lên tiếng về việc này nói với tờ Bild am Sonntag:
“Nhìn chung, các cựu Tổng thống giữ vị trí danh dự thường không làm đại diện pháp lý cho các công ty thời trang”.
Là cựu Tổng thống, ông Christian Wulff nhận được một mức lương danh dự trên 200.000 euro mỗi năm cho đến hết đời. “Đặc ân đó là để các cựu nguyên thủ không buộc phải kiếm tiền nữa”, ông Ralf Stegner nói.
Tương tự, bà Sahra Wagenknecht, lãnh đạo của Đảng Xã hội cánh tả bày tỏ, công việc làm thêm của ông Christian Wulff là “không thể chấp nhận được” và những việc như vậy sẽ khiến công chúng “vỡ mộng với chính trị”. Bà Sahra Wagenknecht cho biết thêm, đảng của bà sẽ soạn thảo văn bản trình Quốc hội kỳ họp tới để “kết thúc tình trạng này”.
Thực tế, trong tất cả các cựu Tổng thống Đức, ông Christian Wulff là trường hợp “cá biệt” nên việc ông có công việc mới được dư luận hết sức quan tâm.
Vào tháng 2-2012, ông Christian Wulff đã buộc phải rời khỏi nhiệm sở vì một loạt sai phạm nhỏ nhưng cũng đủ để công tố viên liên bang vào cuộc điều tra về hối lộ. Sau đó, tranh luận nổ ra trong giới truyền thông và các chuyên gia pháp lý suốt cả năm 2012 liên quan đến việc liệu ông Christian Wulff nên được hưởng lương danh dự suốt đời hay không.
Chuyên gia pháp lý của Quốc hội và Văn phòng Tổng thống Đức sau đó kết luận rằng, một cựu Tổng thống không được hưởng lương nếu người đó từ chức vì lý do cá nhân, nhưng ông Christian Wulff đã từ chức vì lý do chính trị, như vậy ông có thể được hưởng quyền lợi này.
Cũng phải nói thêm rằng, người tiền nhiệm của ông Christian Wulff là cựu Tổng thống Horst Köhler – người cũng đã từ chức sau một vụ bê bối đã tự nguyện từ bỏ thu nhập hàng năm.
Lỗi lầm của ông Christian Wulff xảy ra chủ yếu trong thời kỳ ông làm Thủ hiến bang Lower Saxony, bao gồm việc tham gia một khoản vay cá nhân lãi suất thấp từ một thương gia thân thiện, chấp nhận một kỳ nghỉ miễn phí từ một nhà sản xuất phim và gọi điện cho một Tổng biên tập báo nhằm ỉm đi câu chuyện.
Cựu Tổng thống Christian Wulff đã được tòa án tuyên bố không làm điều gì sai trái vào năm 2014 và thậm chí còn được bồi thường cho việc lục soát nhà, nhưng lúc đó sự nghiệp chính trị của ông đã không còn.
Trong cuốn sách viết về vụ bê bối sau khi được tuyên trắng án, ông Wulff đã tố cáo các công tố viên Nhà nước đã chấm dứt sự nghiệp của mình và buộc tội các nhà điều tra về “thiếu tính khách quan”.
Ông Christian Wulff rất thành công trong vai trò Thủ hiến bang Niedersachsen 7 năm từ 2003 đến 2010. Được Thủ tướng Angela Merkel đề xuất, ông Christian Wulff ứng cử chức Tổng thống và vào tháng 6-2010, ông thắng cử, trở thành Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Đức ở tuổi 51.
Ngoài vụ bê bối nói trên, nhiệm kỳ Tổng thống 19 tháng của ông Christian Wulff để lại dấu ấn khi ông là người đứng đầu Nhà nước đầu tiên của Đức phát biểu tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó khuyến khích người nhập cư “tích cực tham gia vào xã hội Đức”.
Theo ANTĐ
© 2024 | Thời báo ĐỨC