Cựu Phó Thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rösler.
Mở đầu phiên thảo luận về Tương lai toàn cầu hóa tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC, ông Andrew Stevens, Tổng biên tập khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, CNN Quốc tế đặt vấn đề: "Tương lai toàn cầu hoá sẽ như thế nào trong một thế giới chủ nghĩa dân tuý đã tăng cường hay chính sách nước Mỹ đơn độc hay việc trật tự thế giới tự do đang thoái lui? Việc thảo luận này nên bắt đầu tại đây".
Ông Andrew Stevens nhắc lại việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chính thức rút ra khỏi TPP chỉ 9 ngày sau khi trúng cử và cho rằng: "Những gì ông Trump đã làm không phải là kịch bản xấu nhất xảy ra, chúng ta không phải có cuộc chiến tranh thương mại. Trước đó, EU rất lo ngại sẽ sụp đổ nhưng sau đó chúng ta vẫn thấy một nền kinh tế toàn cầu vẫn diễn ra hết sức tốt đẹp với những con số đáng khích lệ".
"Nhưng chúng ta không nên nhầm lẫn vì không phải điều gì cũng tốt. Ông Trump đã đưa nước Mỹ rút ra khỏi TPP và có ý định rút ra NAFTA, đây có phải chỉ là ngoại lệ không hay là sự kết thúc của toàn cầu hoá?", nhà báo kỳ cựu này đặt câu hỏi.
Khủng hoảng "mãn tính"
Trả lời cho câu hỏi này, ông Ian Bremmer, Chủ tịch Tập đoàn Eurasia nói rằng, ông không cho xu hướng chống toàn cầu hóa là một điều bất thường.
"Thế giới đang ngày càng mất ổn định vì nhiều người không đáp ứng được yêu cầu cơ bản trong cuộc chơi. Họ nghĩ toàn cầu hóa do giai cấp tinh hoa nắm giữ, không dành cho họ. Và nhìn kinh tế, có người nói tổng bằng không (tức có kẻ thằng người thua, không thể đôi bên cùng có lời", ông nói.
Ông Ian Bremmer gọi tình trạng này là "khủng hoảng mãn tính" với ví von: "Giống như quan hệ vợ chồng, khi đối tác của bạn lúc nào cũng nhấp nhổm rời đi, thì đó là vấn đề mãn tính rồi, không phải tạm thời...".
Ông Philipp Roesler, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), thì nói: “Tôi là người đàn ông có gia đình hạnh phúc nhưng nói về khủng hoảng, nếu đối tác muốn rời đi thì phải tìm kiếm người thay thế”.
Nói về việc “Hoa Kỳ rút ra khỏi TPP”, ông Philipp Rösler cho rằng "có rất nhiều cơ hội thay thế” và nhấn mạnh phải thể hiện sự không đồng tình với những người chống lại thương mại tự do.
“Nhiều người chống đối thương mại đa phương, cũng có nhiều biện pháp thay thế như thương mại song phương. Tuy nhiên người ta vẫn hướng tới những hiệp định đa phương càng lớn càng tốt. Ví dụ EU đang đàm phán song phương với các nước ASEAN, vậy tai sao ASEAN không đứng ra đàm phán như một khối với EU?”, ông nói.
"Thế giới còn nhiều thách thức"
Trong phần phát biểu của mình, ông Rösler cũng nhắc tới "thương mại tự do là nạn nhân của chủ nghĩa dân túy” và đề nghị mọi người có trách nhiệm, chủ động tự tạo ra tương lai của mình mà không chờ đợi, dựa dẫm vào hoàn cảnh.
“Hãy nhận thức rằng trong thế giới nhiều thách thức. Như với Brexit, nếu chúng ta có trách nhiệm và đưa ra hành động thì sẽ làm chủ vận mệnh của mình”, ông nói.
Ông Rösler cho rằng, những thay đổi đều có mặt trái của nó, như sự xuất hiện của robot hay trí tuệ nhân tạo sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, tương lai của con em của chúng ta như thế nào?
"Nếu các nhà lãnh đạo và kinh doanh không có câu trả lời cho một thế giới ngày càng phức tạp, khi đó sẽ làm dấy lên chủ nghĩa dân túy”, ông Rösler cảnh báo.
Ông cũng cho rằng, TPP là một ví dụ cho việc các cơ chế đa phương vẫn là lựa chọn tốt trong thời điểm này. Mỹ, phần thưởng lớn nhất của TPP, đã bước khỏi hiệp định, nhưng 11 nước còn lại vẫn quyết định bước tới.
Theo đó, cần phải tạo ra càng nhiều sáng kiến càng tốt, phải tạo ra lựa chọn mới về toàn cầu hóa thương mại. Họp nhau lại càng sớm càng tốt để thảo luận về TPP, TPP11, để có ngày càng nhiều sự lựa chọn thay thế, và các quốc gia có thể đưa ra các lựa chọn của riêng mình bởi khi gặp phải tình trạng độc quyền sẽ ko có lựa chọn nữa.
"Rất nhiều chủ thể trong lĩnh vực toàn cầu, một số người sẽ tình nguyện bước ra, một số sẽ ở lại, sẽ có những người sẽ đến và lấp chỗ trống đó. Các bạn cần chủ động, quan tâm đến thị trường toàn cầu thì những người khác sẽ quan tâm và đưa đến cho các bạn rủi ro", cựu Phó Thủ tướng Đức người gốc Việt nhấn mạnh.
Chung quan điểm, bà Victoria Kwakwa – Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank) phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương cũng nói tại phiên đối thoại: "Các Chính phủ cần phải biết cách truyền đạt, truyền thông đến người dân những lợi ích của thương mại. Nhìn chung người ta vẫn ủng hộ về liên kết toàn cầu".
"Ví dụ Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam khá lo lắng về viêc TPP chỉ còn 11 thành viên, và nếu có Mỹ thì Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn. Nhưng nếu không có Mỹ thì vẫn còn những lợi ích khác", bà nói.
Dantri
© 2024 | Thời báo ĐỨC