Cuộc giải cứu nhà vật lý trong hang động sâu nhất nước Đức
Lực lượng cứu hộ vận chuyển ông Westhauer trên chiếc xe trượt tới chỗ đậu trực thăng ở gần miệng hang – Ảnh: EPA
Cuộc giải cứu kéo dài 11 ngày với hơn 700 người tham gia vô cùng phức tạp không chỉ vì miệng hang Riesending nằm ở trên đỉnh một ngọn núi cao gần 6.000 bộ (1,82km) khiến trực thăng ban đầu không thể đáp xuống, mà còn vì lực lượng cứu hộ phải kéo ông Westhauser qua lối lên rất hẹp của lòng hang bằng một chiếc xe cáng thương.
202 người xuống hang cứu 1 người
Là một chuyên gia thám hiểm hang động, ông Westhauser đương nhiên không lạ lẫm gì giữa không gian tối đen như mực trong lòng hang Riesending, nơi ông đã từng là thành viên của một nhóm khám phá ra nó từ giữa những năm 1990 và tham gia vẽ bản đồ hang động này.
Cái hang này có tên là Riesending (hay Big Thing), trải dài hơn 12 dặm (19,6km) dưới lòng đất. Ngay cả với những chuyên gia thám hiểm hang động dày dạn kinh nghiệm nhất, Big Thing vẫn là một cái tên ẩn chứa nhiều thách thức.
Trong lúc cùng hai đồng nghiệp khác tiến vào khu vực sâu nhất của hang, mặc dù đã đội mũ bảo hiểm, ông Westhauser vẫn bị thương nặng sau khi một tảng đá rơi trúng đầu.
Địa điểm xảy ra tai nạn nằm sâu khoảng 950m so với mặt đất và cách miệng hang khoảng 4 dặm (6,5km).
Một trong hai người đi cùng ông đã phải vượt hành trình gian khổ kéo dài suốt 12 giờ đồng hồ quay lại miệng hang để nhờ lực lượng chức năng ứng cứu.
Thách thức cho việc cứu hộ rõ ràng nan giải ngay từ đầu. Miệng hang Riesending nằm trên đỉnh núi cao gần 2km nhỏ hẹp này chẳng khác gì một cái “ống khói”.
Trong nhiều ngày, lực lượng cứu hộ từ khắp các nước Áo, Croatia, Ý và Thụy Sĩ đã tới. Rất nhiều người trong số đó là các chuyên gia leo núi lão luyện thường xuyên có mặt tại những góc sâu nhất bên trong dãy núi Alps.
202 người đã vào hang để cùng nhau đưa nhà vật lý 52 tuổi bị nạn ra. Ưu tiên quan trọng nhất của việc cứu hộ là phải đảm bảo giữ ổn định trạng thái cơ thể cho ông Westhauser.
Ông được đưa vào một chiếc xe cáng thương bằng sợi thủy tinh vốn là loại xe trượt băng thường dùng để vận chuyển các vận động viên trượt tuyết bị thương.
Sau đó là công đoạn gian khổ nhất, kéo chiếc xe trượt băng này dọc lên miệng hang qua một hành trình quanh co, khúc khuỷu lởm chởm vách đá. Nhiều đoạn hẹp tới mức mũi của ông Westhauser gần như bị xé nát vì chà mạnh vào các vách đá vôi.
Mặc dù cơ thể được giữ cố định nhưng ông Westhauser vẫn còn một tay có thể điều khiển để chỉnh hướng cho chiếc xe trượt lách qua những quãng hẹp. Chính sự can trường và nghị lực của ông đã truyền thêm sức mạnh cho những người cứu hộ.
“Tinh thần mạnh mẽ tuyệt vời của ông ấy đã giúp chúng tôi bền bỉ hơn” – ông Klemens Reindl, người chỉ đạo cuộc cứu hộ thuộc đơn vị Mountain Rescue Service, chia sẻ.
Ông Johann Westhauser được chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện sau khi được cứu thoát khỏi hang động sâu nhất nước Đức – Ảnh: BILDER
Cuộc giải cứu thành công tốt đẹp
“Anh không những phải rất có kinh nghiệm trong việc leo núi mà còn phải di chuyển lên xuống thật tốt với các dây thừng được găm vào vách hang” – anh Christian Lüthi, một chuyên gia thám hiểm hang động người Thụy Sĩ, nói về công tác cứu hộ.
“Chuyện này vốn đã khó khăn ngay với một người được đào tạo bài bản nhất, nhưng còn khó hơn trong điều kiện lối lên quá hẹp, lại có thêm một người bị nạn nằm cố định trong chiếc xe cáng thương”.
Có rất nhiều lúc trong hành trình đó, nhóm cứu hộ phải dùng tay để nâng chiếc xe trượt nặng khoảng 100kg được nối với ròng rọc vượt qua các ngóc ngách chằng chịt của vách hang trong bóng tối mù mịt.
Bên trong lòng hang, khoảng 5 khu vực lều tạm trang bị túi ngủ, lương thực và các đồ cung ứng khác đã được dựng theo từng quãng nghỉ.
Chị Sabine Zimmerebner, một người thám hiểm hang động tại Áo, người có mặt trong nhóm đầu tiên chui xuống lòng hang cứu hộ, đã nỗ lực hết sức giúp ổn định tinh thần cho người mà chị đã quen biết từ lâu.
Trong hành trình gian nan, chị đã cầm tay ông Westhauser, thi thoảng kể cho ông nghe những chuyện cười để cùng nhau quên đi thời khắc sinh tử cận kề.
Sau khi tới được trạm nghỉ cuối cùng của hành trình giải cứu, cả nhóm cứu hộ đã phải dừng lại để nghỉ ngơi và cũng để tái tập trung tinh thần.
Hơn bao giờ hết, chuyên gia cứu hộ dày dàn kinh nghiệm Klemens Reindl hiểu rằng một kỷ luật điềm tĩnh lúc này là điều cực kỳ quan trọng để có thể đưa ông Westhauser vượt lên chặng cuối cùng của “ống khói” – miệng hang.
Mặc dù đã luôn có một bác sĩ từ Ý, cũng là một nhà leo núi, đồng hành cùng người bệnh trong suốt những ngày cuối cùng trước khi thoát ra miệng hang, song ông Reindl vẫn sợ rằng phút sung sướng vỡ òa bất ngờ sau một hành trình quá dài và quá căng thẳng sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng ông Westhauser.
Ngay cả đôi mắt của ông Westhauer cũng đã được bảo vệ chu đáo bằng chiếc kính chuyên biệt giúp ông dần làm quen với ánh sáng tự nhiên sau nhiều ngày bị chôn vùi trong hang động.
Sau 11 ngày, 10 giờ và 40 phút, cuối cùng ông Westhauser đã được đưa lên tới miệng hang.
Trong khoảng 100m cuối cùng, chiếc xe cáng thương đã được nhóm cứu hộ vận chuyển bằng tay để tới được chỗ chiếc trực thăng đang chờ và đưa ông tới ngay bệnh viện ở Murnau, Bavaria.
Giây phút lực lượng cứu hộ kéo ông Johann Westhauser lên khỏi hang ngày 8-6-2014 – Ảnh: EPA
Nguồn: Tuổi trẻ
© 2024 | Thời báo ĐỨC