Thành phố quê hương của Mercedes-Benz và Porsche đang phải đối mặt với một lệnh cấm áp dụng với các loại xe ôtô sử dụng diesel, có hiệu lực từ 1.1.2018.
Không thể tránh khỏi
Quyết định của thẩm phán Wolfgang Kern, tại thành phố Stuttgart (Đức), đặt ngành ôtô, không chỉ ở nước Đức mà trên toàn thế giới, đối diện với một thực tế: Hoặc là bị cấm hoặc phải cắt giảm tối đa số lượng ôtô sử dụng diesel, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về lượng ô nhiễm và chất lượng không khí.
Phán quyết xuất phát từ vụ kiện, khởi đầu bởi các tổ chức Hành động vì môi trường Đức (Environmental Action Germany) và Khách hàng Trái Đất (ClientEarth), áp dụng đối với mọi thành phố tại Đức.
Stuttgart trở thành “dê tế thần” của vụ kiện tại Đức, sau khi kế hoạch cắt giảm lượng khí thải và làm trong sạch môi trường của thành phố thiếu những kế hoạch chi tiết và lộ trình đáp ứng các tiêu chuẩn đã ban hành.
Tuy nhiên, người ta tin rằng đây mới chỉ là bước đầu của một vụ kiện kéo dài trong nhiều năm, nếu các bên thực sự nghiêm túc đối với mục tiêu nêu ra ban đầu, bởi tính chất vụ án không chỉ vì chất lượng không khí, môi trường trong sạch, mà còn là lợi ích tài chính của ngành sản xuất ôtô, lượng công nhân bị cắt giảm (như một hệ quả của lệnh cấm).
Thực tế, lệnh cấm tương tự đã được một số thành phố trên thế giới áp dụng, bởi tình trạng ô nhiễm gây ra từ khí gas và diesel.
“Ngài thẩm phán đã nêu rõ lệnh cấm là không thể tránh khỏi. Điều Stuttgart cần làm lúc này là tìm ra một phương thức tốc độ và hiệu quả để giải quyết những vấn đề liên quan tới chất lượng không khí trong vùng”, Ugo Taddei, luật sư của ClientEarth, nhấn mạnh.
Bắn súng lục vào quá khứ
Áp lực đòi hỏi cấm xe dùng diesel ngày càng gia tăng, kể từ sau vụ Volkswagen (VLKAY) thừa nhận vào 2015, rằng hãng này đã gian dối số liệu trong các cuộc kiểm tra lượng khí thải từ diesel. Theo đó, các phương tiện có lượng khí thải cao gấp 40 lần so với quy định về ôxit nitơ.
Hiệp định về thay đổi khí hậu Paris cũng đòi hỏi chính phủ các nước phải có hành động thực tế. Vương quốc Anh, Pháp và Na uy đều đã công bố các kế hoạch cắt giảm các phương tiện vận tải dùng khí gas, diesel và xúc tiến dùng năng lượng thay thế là điện và hybrid.
Hệ quả của “vụ dieselgate” khiến Porsche, một nhánh của Volkswagen, vừa phải triệu hồi hàng chục ngàn chiếc xe SUV diesel, sau khi người ta phát hiện dòng xe này “không được trang bị các thiết bị hợp chuẩn”, một khái niệm xuất phát từ vụ gian dối về lượng khí thải.
Đầu tháng 7, Tập đoàn Daimler (DMLRY) sản xuất các dòng xe Mercedes-Benz, cũng phải tự đưa ra quyết định triệu hồi hơn 3 triệu xe diesel trên toàn Châu Âu.
Bên cạnh đó, hãng này cũng chào mời người sử dụng xe của mình dịch vụ nâng cấp kiểm soát lượng khí thải, hoàn toàn miễn phí!
“Cuộc tranh luận công khai về động cơ diesel đang tạo ra những bất ổn trong dư luận”, CEO Dieter Zetsche nói hồi đầu tuần này. “Chúng tôi đã phải quyết định bổ sung thêm các biện pháp bảo đảm cho người sở hữu và sử dụng xe diesel có thể tự tin vào các công nghệ diesel”.
Mặt khác, Daimler cũng cho rằng lệnh cấm xe diesel là ý tưởng tồi, bởi sẽ làm thiệt hại tới nền kinh tế, thương mại và người lao động.
Hồi đầu tuần, lãnh đạo của Volkswagen, BMW và Daimler đã có cuộc họp với các bộ trưởng chính phủ Đức và nghiệp đoàn tại Berlin để thảo luận về việc giảm lượng ô nhiễm từ diesel.
Hàng tỉ euro
“Lệnh cấm các phương tiện diesel tại Châu Âu có thể khiến các nhà sản xuất thiệt hại hàng tỉ euro, do phải hỗ trợ tài chính cho các đại lý bán xe tiền thế chấp, vay mượn và tỉ lệ hoa hồng”, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody cảnh báo hôm thứ 5 (3.8).
Cảnh báo ám chỉ tới sự giảm sút rõ rệt đối với thị trường ôtô cũ, thường được đỡ đầu bởi một hệ thống tài chính lỏng lẻo và rủi ro hơn.
Doanh số bán xe đã tạo ra những cột mốc đáng lưu ý trong vòng một thập niên trở lại đây, chủ yếu là nhờ các hợp đồng hỗ trợ tài chính, cho phép người mua xe chỉ phải trả những khoản trả góp nhỏ cho chiếc xe trị giá hàng chục ngàn euro.
Theo đó, các nhà sản xuất xe chuyển các rủi ro mặc định đối với các khoản nợ này sang các nhà đầu tư nợ rủi ro, tạo ra một vòng tròn tài chính khép kín gọi là bảo đảm hóa.
Thay vì phải trả một khoản góp cuối cùng, lớn nhất, trị giá tới 60% số tiền mua xe, không cần phải có tiền mặt để trả, người mua xe chỉ việc bán lại xe để trang trải khoản mua ban đầu.
Tuy nhiên, lệnh cấm của tòa án thành phố Stuttgart sẽ dẫn tới việc người mua xe từ bỏ sở hữu xe diesel và dẫn tới giá trị những chiếc xe cũ rớt giá thảm hại.
Cảnh báo của Moody cũng hòa thanh với các bình luận phát từ Ngân hàng Anh và các tổ chức giám sát tài chính toàn Anh về “giảm sức mua” và “rủi ro gia tăng đối với các thỏa thuận tài chính hỗ trợ việc mua xe”.
Với 15,6 triệu xe đăng ký mới trong 5 năm qua tại Đức, 4,1 triệu hợp đồng tài chính đang trong quá trình bảo đảm hóa, tác động của phán quyết từ thẩm phán Wolfgang Kern là không thể chối bỏ.
Tuần này, doanh số bán xe cho thấy nhu cầu mua xe diesel giảm 12,7% trong tháng 7.
Hiện, lượng xe diesel chỉ chiếm 40,5% tổng số xe mới bán ra trên thị trường châu Âu, giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các báo cáo tài chính năm 2016 cho thấy lượng xe diesel do Renault bán ra chiếm 45% tổng số xe mới, trong khi con số này của Daimler là 38%, BMW là 35% và Volkswagen là 26%.
Theo Thành Lương - Báo Lao Động Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC