Những năm gần đây, thị trường buôn bán dường như xoay chuyển và thay đổi mỗi ngày, khiến cho sự cạnh tranh cũng phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Từ phần thiết lập hệ thống mặt hàng đến chính sách giá cả, từ khâu quảng cáo đến chiến dịch giảm giá, tặng quà, tặng phiếu mua hàng – và quan trọng nhất là dịch vụ chăm sóc khách hàng, nhằm đạt được sự tin tưởng và lựa chọn của khách.
Không những vậy, cùng với sự phát triển mạnh của buôn bán trực tuyến, việc mua sắm của người tiêu dùng cũng ngày càng dễ dàng hơn, thêm nhiều lựa chọn hơn. Ranh giới giữa các ngành nghề, nhãn hiệu cũng không phân định rõ ràng nữa.
Các hãng chỉ chuyên bán online đã mở thêm cửa hàng, và nhiều cửa hiệu cũng lên mạng bán hàng trực tuyến. Khách hàng có thể vào siêu thị như Aldi, Lidl hay Kaufland mua mỹ phẩm, nước tắm, thậm chí quần áo, và có thể đặt mua đồ ăn trên Amazon. Nhiều cửa hàng có cả nhãn hiệu riêng như dm có Balea, Rossmann có Isana, v.v.
Hàng năm, nhiều công ty cung cấp thông tin và tư vấn doanh nghiệp như OC&C, các học viện nghiên cứu thị trường như Dialego hay các tạp chí cao cấp như Reader’s Digest thường tổ chức khảo sát về thị trường buôn bán lẻ. Với sự tham gia của hàng chục nghìn người tiêu dùng, mục đích của họ là muốn tìm ra doanh nghiệp tiên phong với những ý tưởng mới, đánh giá chất lượng sản phẩm cũng như xếp hạng doanh nghiệp theo mức độ tin tưởng của khách hàng.
Năm nay, chuỗi cửa hàng tạp hoá dm vượt lên dẫn đầu bảng xếp hạng trong mục tính độ tin tưởng của khách hàng tại Đức, đứng trước cả doanh nghiệp khổng lồ chuyên bán hàng trực tuyến Amazon. Tuy nhiên, dm không đạt kỷ lục vượt trội, mà chỉ hơn Amazon ở con số phần trăm sau dấu phẩy. Hai doanh nghiệp này từ lâu đã luôn ngầm thi đua với nhau.
Dm là chuỗi siêu thị tạp hoá lớn nhất và thành công nhất Châu Âu. Chỉ riêng tại Đức, dm đã mở hơn 1.920 đại lý và hiện đã có trang mạng bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc. Doanh nghiệp này theo đuổi chính sách giữ giá ở mức thấp như có thể, bên cạnh đó còn cho ra nhãn hiệu riêng là Balea với hơn 450 mặt hàng, mẫu mã. Kem dưỡng Balea được khách hàng đánh giá là sản phẩm tốt, đứng thứ hai ngay sau Nivea, bỏ qua các loại kem của Dove, Weleda, Florena, L’oréal và Bebe.
Người sáng lập ra dm, ông Götz Werner, không chỉ là một nhà doanh nghiệp nhạy bén và sáng tạo, ông còn tham gia chính trị và là một trong những người đầu tiên tại Đức ủng hộ mức thu nhập cơ bản vô điều kiện. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tài sản hiện tại của Götz Werner đã đạt tới mức 9 con số! Có lẽ đó là những lý do chính giúp cho dm lấy được tín nhiệm của khách hàng, tăng trưởng ngày càng mạnh.
Nói về Amazon chắc không cần giải thích dài dòng, tuổi đời mới hơn 20 năm – được ông Jeff Bezos sáng lập vào năm 1994 tại thành phố Seattle (Mỹ). Theo báo Handelsblatt ra cuối tháng 3-2018, đây là một trong ba doanh nghiệp được xếp hạng có giá trị cao nhất trên thị trường quốc tế với gần 770 tỉ USD, xếp thứ hai chỉ sau Apple, thậm chí đứng trên Google. Tuy nhiên theo bảng xếp hạng mới do BrandZ công bố, Google xếp thứ nhất, theo sau là Apple và Amazon. Nói đến nguyên nhân mang lại thành công cho doanh nghiệp này phải kể đến số lượng mặt hàng khổng lồ từ A đến Z, từ sách báo đến đồ điện tử, mỹ phẩm, thậm chí thực phẩm. Ngoài ra, trải nghiệm mua hàng cũng là một thế mạnh của Amazon, bởi đa số khách hàng đều rất hài lòng với cách trình bày và miêu tả sản phẩm.
Không những vậy, doanh nghiệp này luôn nắm bắt thị hiếu của khách hàng và cũng bắt kịp xu hướng tiêu dùng thịnh hành nhất. Một ví dụ điển hình chính là dòng sản phẩm trí thông minh nhân tạo với trợ lý ảo mang tên “Alexa” mà người tiêu dùng đang rất ưa chuộng. Tính đến đầu năm 2017, tổng số lượng tất cả các mặt hàng được tiêu thụ qua Amazon đã tăng lên nhiều hơn so với năm 2016 là 50%.
Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng về tỷ lệ giá thành trên hiệu suất thì cả hai doanh nghiệp kể trên đều thua bởi các siêu thị bán hàng rẻ như Aldi, Lidl. Sau Aldi và Lidl thì đứng thứ ba là doanh nghiệp bán hàng trực tuyến Ebay. Thế nhưng trên bảng xếp hạng được tổng kết chung thì Lidl lại chỉ đứng thứ 10, còn Aldi không hề có tên.
Dù vậy, nhiều độc giả đã viết thư bày tỏ quan điểm không đồng tình của mình về chương trình khảo sát, bởi họ cho rằng, không thể đem so sánh chất lượng sản phẩm của những chuỗi siêu thị chuyên bán thực phẩm và chỉ bán kèm thêm đồ mỹ phẩm như Aldi, Lidl, Kaufland, v.v. với siêu thị tạp hóa chuyên bán mỹ phẩm như dm, Rossmann, hoặc không thể đem so Amazon hay Ebay là những doanh nghiệp bán hàng trực tuyến với các cửa hàng tọa lạc trong khu mua sắm trên phố được.
Một số còn cho rằng, những khảo sát như trên là một cách “tẩy não” khách hàng, khiến họ tưởng rằng cứ siêu thị nào xếp thứ nhất cũng là tốt nhất, trên thực tế, những khảo sát này đều có thể điều chỉnh được. Nhiều người cũng giải thích rằng, họ thường chọn những siêu thị gần nhà để mua sắm cho tiện, không nhất thiết đó phải là nơi họ tin tưởng nhất.
Cẩm Chi
© 2024 | Thời báo ĐỨC