Tuy nhiên, đây lại là biện pháp mà Hiệp hội Y khoa Đức cho rằng có thể vi phạm đạo đức.
Theo một một dự thảo nghị quyết của CSU, lãnh đạo đảng này đã kêu gọi cần tiến hành các cuộc kiểm tra bắt buộc đối với trẻ vị thành niên muốn xin tị nạn tại Đức khi có sự nghi ngờ về lứa tuổi của trẻ.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ông Stephan Mayer, chuyên gia hoạch định chính sách của CSU nhấn mạnh việc tiến hành giám định độ tuổi đối với trẻ vị thành niên xin tị nạn tại Đức, đặc biệt đối với những trường hợp tị nạn bất hợp pháp, là điều cần thiết và bắt buộc trong tương lai.
Ông Mayer cũng cho biết việc tiến hành các bài kiểm tra y tế ở nhiều nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) như Áo và Thụy Điển đã cho thấy một tỷ lệ đáng kể thông tin về độ tuổi do những người xin tị nạn cung cấp là không chính xác.
Trong 3 năm qua, giới chức Đức đã đăng ký gần 70.000 trẻ vị thành niên không có người thân đi kèm muốn xin tị nạn.
Giới phê bình chính sách của chính phủ lập luận rằng nhiều người trong số này không phải là trẻ vị thành niên và họ đã có thể cung cấp sai độ tuổi của mình để đủ điều kiện được hưởng các quyền lợi chăm sóc cũng như được bảo vệ khỏi bị trục xuất.
Tuy nhiên, việc yêu cầu xác định độ tuổi trên của đảng CSU đã vấp phải sự phản đối của Hiệp hội Y khoa Đức.
Theo ông Frank Ulrich Montgomery, người đứng đầu hiệp hội, việc kiểm tra này sẽ rất tốn kém, không hoàn toàn chính xác và có thể vi phạm đạo đức.
Các cuộc kiểm tra này liên quan đến việc chụp X-quang răng và xương cổ tay và nếu không có sự chỉ dẫn y tế thì người được kiểm tra sẽ dễ bị phơi nhiễm tia xạ.
Ông Frank nhấn mạnh các cuộc kiểm tra như thế này chỉ được tiến hành trong các thủ tục tố tụng hình sự.
Có thể nói vấn đề nhập cư cũng như những yêu cầu từ phía đảng CSU có thể sẽ gây khó khăn cho Thủ tướng Merkel trong các cuộc đàm phán thăm dò về thành lập một chính phủ liên minh với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) từ ngày 7/1 tới.
Trước đó, các tài liệu bị rò rỉ của CSU hồi tuần trước cũng đề cập đến việc đảng này muốn nâng chi tiêu quốc phòng lên 2% như cam kết với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cứng rắn hơn trong việc tiếp nhận người tị nạn và không muốn nước Đức hội nhập quá sâu vào châu Âu.
Bên cạnh đó, CSU cũng muốn cắt giảm thuế doanh nghiệp, điều đang diễn ra ở Mỹ, Anh và Pháp. CSU còn kêu gọi bãi bỏ hoàn toàn thuế "đoàn kết."
Điều này có phần trái ngược với quan điểm của SPD, vốn đứng về phía người lao động. SPD mong muốn đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và ưu tiên xã hội khác./.
Vietnam+
© 2024 | Thời báo ĐỨC