Công nghiệp xe hơi Đức đối mặt vụ bê bối lớn

Nếu bị EU kết luận vi phạm luật cạnh tranh, các hãng xe Đức nói trên có thể bị phạt hàng tỷ Euro...

Công nghiệp xe hơi, ngành công nghiệp lớn nhất của Đức, đang đứng trước nguy cơ rơi vào một vụ bê bối lớn về chống cạnh tranh.

Theo hãng tin CNN, các nhà sản xuất xe hơi lớn nhất của Đức đang đứng trước cáo buộc tổ chức một liên minh ngầm nhằm ngăn cản tự do cạnh tranh suốt từ thập niên 1990. Cáo buộc được đưa ra giữa lúc ngành xe hơi Đức còn chưa thoát khỏi bê bối gian lận khí thải diesel - vụ bê bối bị phanh phui vào năm 2015  khi hãng xe Volkswagen thừa nhận đã nói dối về mức phát thải thực tế của động cơ xe do hãng sản xuất.

Thông tin gây chấn động đã được tạp chí Đức Der Spiegel đưa ra vào hôm thứ Sáu tuần trước. Tờ báo dẫn một lá thư được cho là của Volkswagen viết cho các quan chức chống độc quyền của Đức vào mùa hè năm ngoái, trong đó hãng xe thừa nhận hành vi có thể bị coi là chống cạnh tranh.

Bài báo cho rằng hàng trăm nhà điều hành từ Volkswagen (và hai thương hiệu con Audi và Porshce), Daimler - hãng mẹ của Mercedes-Benz, và BMW đã tham gia vào ít nhất 60 cuộc họp bí mật của liên minh nói trên trong vòng hàng thập kỷ.

Công nghiệp xe hơi Đức đối mặt vụ bê bối lớn - 0

Công nghiệp ôtô cũng là vị đại sứ quyền lực của nước Đức - Ảnh: Shutterstock/CNN.

Mục đích của các cuộc họp này được cho là nhằm dừng sự cạnh tranh trong mọi vấn đề, từ phát triển xe và động cơ, cho tới nhà cung cấp, và hệ thống phát thải của xe chạy nhiên liệu diesel.

Các quan chức chống độc quyền của Liên minh châu Âu, những người chịu trách nhiệm đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng tại thị trường khu vực, đã có phản ứng nhanh chóng trước bài báo của Der Spiegel.

“Ủy ban châu Âu và Bundeskartellamt (cơ quan chống độc quyền Đức) đã nhận được thông tin về vấn đề này và đang xem xét”, Ủy ban châu Âu (EC) nói trong một tuyên bố vào cuối tuần vừa rồi. “Hiện còn quá sớm để đồn đoán thêm”.

Đây hoàn toàn không phải là chuyện nhỏ. Nếu bị EU kết luận vi phạm luật cạnh tranh, các hãng xe Đức nói trên có thể bị phạt hàng tỷ Euro.

Và ảnh hưởng sẽ không chỉ gói gọn ở các hãng xe. Các hãng này hiện đang sử dụng 800.000 lao động tại Đức, và chiếm 20% tổng sản lượng công nghiệp của nền kinh tế lớn nhất Eurozone.

Ngoài ra, công nghiệp ôtô cũng là vị đại sứ quyền lực của nước Đức. Cứ 5 chiếc xe trên thế giới hiện nay thì có 1 xe mang thương hiệu Đức. Uy tín kỹ thuật của xe Đức đã giúp đưa các sản phẩm gắn nhãn “Made in Germany” (sản xuất tại Đức) lên vị trí được người tiêu dùng tín nhiệm hàng đầu thế giới.

Sau bài báo gây chấn động của Der Spiegel, cả Volkswagen và Daimler cùng từ chối bình luận. Trong một tuyên bố ra ngày Chủ nhật, BMW nói hệ thống phát thải động cơ diesel của hãng khác nhiều so với của các nhà sản xuất khác trên thị trường, và không một xe nào của hãng gian lận để vượt qua các bài kiểm tra khí thải.

Hôm thứ Ba tuần trước, Daimler nói sẽ tự nguyện triệu hồi hơn 3 triệu xe Mercedes tại thị trường châu Âu trong bối cảnh những nghi ngại gia tăng về động cơ diesel của những xe này. Hãng cho biết sẽ cung cấp cho người dùng ở châu Âu một dịch vụ nâng cấp động cơ nhằm giảm lượng khí thải.

Tiếp đó, vào hôm thứ Sáu, Audi cho biết sẽ điều chỉnh 850.000 xe chạy nhiên liệu diesel nhằm cải thiện mức phải thải “trong điều kiện sử dụng thực tế”.


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày