Công luận Đức đang dậy sóng sau khi cô gái Yazidi 19 tuổi Ashwaq Haji Hami tuyên bố phải bỏ nước Đức về Iraq vì lo sợ người đàn ông, “một phần tử IS đã cầm tù và tra tấn cô”, hiện sống ung dung tại Đức. Một số hãng thông tấn cáo buộc chính quyền Đức đã làm ngơ trước lời tố cáo của cô gái Yazidi.
Câu chuyện của Hami Ashwaq Haji Hami, thiếu nữ thuộc tộc người Yazidi, sinh ra và lớn lên tại lãnh thổ của người Kurd ở phía Tây của Iraq. Hami bị lực lượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt hồi tháng 8/2014. Đó là thời điểm IS trỗi dậy và đánh bại quân đội Iraq ở nhiều nơi, chiếm một vùng đất rộng lớn từ Iraq tới Syria.
Trở thành tù nhân từ năm 15 tuổi, Hami bị giam giữ làm nô lệ và bị lạm dụng tình dục bởi một thành viên IS có mật danh Abu Humam, tên thật là Mohammed Rashid. Hami bị đánh đập, cưỡng bức trong 3 tháng trước khi trốn thoát khỏi hang ổ của lực lượng này.
“Tôi rời bỏ gia đình, quê hương tới Đức để quên đi những trận đòn, những nỗi đau ấy. Điều cuối cùng tôi mong đợi đó là gặp lại kẻ đã giam giữ mình và hắn thậm chí biết mọi điều về tôi”, Hami nói với Fox News.
Hami cho biết lần đầu tiên nhìn thấy người mà cô cho là kẻ đã giam giữ mình là vào năm 2016. Hami một lần nữa gặp lại người này vào tháng 2 vừa qua tại thị trấn Schwaebisch Gmuend, và lần này ở khoảng cách mặt đối mặt.
“Trên đường đi học, một chiếc xe đỗ lại ngay cạnh tôi. Hắn ta ngồi ở băng ghế đầu. Hắn nói với tôi bằng tiếng Đức, hỏi tôi: ‘Cô có phải là Ashwaq không?’. Tôi sợ hãi đến run cả người và trả lời: ‘Không phải. Ông là ai?'”, Hami kể lại.
Người đàn ông đáp lại Hami, nói biết rõ cô là Ashwaq, người từng bị giam cầm, và tự xưng là Abu Humam. Người đàn ông sau đó chuyển sang nói bằng tiếng Arab và bảo Hami ngừng nói dối ông ta.
“Hắn nói hắn biết tôi, biết tôi sống ở đâu, sống cùng ai. Hắn biết mọi thứ về cuộc sống của tôi ở Đức”, Hami nói với AP.
Hami nói đã nhìn thấy rõ gương mặt người đàn ông và cô có thể nhận ra kẻ đã giam giữ mình ngay lần đầu tiên chạm mặt.
“Chúng tôi đã từng phải chịu đựng hắn 24 tiếng mỗi ngày. Bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu tôi nhìn thấy hắn, tôi đều có thể nhận diện được hắn”, Hami nói.
Cô gái Yazidi cho biết đã trình báo vụ việc tới cảnh sát Đức nhưng không nhận được sự bảo vệ cần thiết. Khi Hami gặp người đàn ông mà cô cáo buộc ở trên đường ngoài một siêu thị, cô đã yêu cầu cảnh sát kiểm tra camera an ninh của siêu thị, nhưng “điều đó không xảy ra”, cô gái này nói.
Quá sợ hãi cho sự an toàn của bản thân, Hami đã trở về Iraq hồi tháng 6 và hiện sống tại vùng lãnh thổ của người Kurd.
“Tôi sẽ không hy sinh danh dự của mình tại Đức. Nếu tôi lại bị bắt cóc hay bị giết ở Đức, ai có thể tìm ra thủ phạm cơ chứ”, cô nói.
Chính phủ Đức nói gì?
Trả lời AP, phát ngôn viên của Tòa án Liên bang Đức Frauke Koehler bác bỏ cáo buộc Berlin không sẵn sàng điều tra những vụ việc liên quan tới người nhập cư từ Iraq và Syria, mà cụ thể ở đây là vụ cáo buộc của Hami.
“Cô ấy đã được lấy lời khai nhưng thông tin cô ấy cung cấp không đủ chính xác (để tiến hành một vụ bắt giữ)”, bà Koehler, hiện cũng là thẩm phán Tòa án Liên bang, nói với AP. Bà Koehler cho biết khi nhà chức trách tiến hành điều tra sâu thêm vụ việc, Hami đã rời Đức và không cung cấp thêm các chi tiết liên quan.
Jan Ilhan Kizilhan, một bác sĩ người Đức đã giúp đỡ đưa hàng trăm phụ nữ Yazidi tới Đức năm 2015, cho biết việc trông thấy những khuôn mặt giống với kẻ đã hành hạ mình khiến gợi lại những ký ức kinh hoàng cho các nạn nhân. Điều này khiến các vụ tố cáo đôi khi trở nên phức tạp.
Bà Koehler tuyên bố Berlin sẵn sàng và sẽ lập tức bắt giữ những người bị nghi là phần tử IS đào tẩu hiện cư trú trên lãnh thổ Đức nếu có thông tin chính xác. “Nếu có bất cứ thông tin xác đáng nào, chúng tôi sẽ theo đuổi vụ việc đến cùng”.
“Để làm như vậy, việc đầu tiên là cô gái người Yazidi có liên quan cần phải trở lại Đức, và cô ấy hoàn toàn có quyền quay lại đây”, bà Koehler nói. Thẩm phán này cho biết khi Hami rời khỏi Đức, chính phủ nước này cũng hết thẩm quyền và trách nhiệm với cô.
Bà Koehler cũng nhắc lại việc Đức từng mở một cuộc điều tra đặc biệt nhắm vào những tội ác chiến tranh gây ra bởi các thành viên tổ chức IS vài năm trước.
Người Yazidi, sống tại miền Bắc và Tây Iraq, là một trong các tộc người bị lực lượng IS tấn công và săn đuổi gắt gao nhất khi tổ chức này ở trên đỉnh cao sức mạnh năm 2014-2016. Hàng nghìn người Yazidi đã bị sát hại, trong khi phụ nữ và trẻ em bị giam giữ làm nô lệ.
Khoảng 3.000 người Yazidi hiện vẫn mất tích, phần lớn được cho là đã thiệt mạng trong cuộc chiến nhằm đánh bại tổ chức IS suốt 3 năm qua tại Iraq và Syria.
Nguồn: Zing
© 2024 | Thời báo ĐỨC