Thủ tướng Đức Merkel (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: DPA.
Tìm kiếm một chiến lược hợp tác chung hiệu quả trong vấn đề thương mại được đánh giá mục tiêu hàng đầu của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến thăm Trung Quốc lần này. Đặc biệt trong bối cảnh, Mỹ vừa qua liên tục có những động thái gây tranh cãi như áp dụng hàng rào thuế quan đối với nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ, dấy lên nguy cơ về các xung đột và chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn.
Tầm quan trọng của Trung Quốc
Về chuyến đi đến Trung Quốc lần này của nữ Thủ tướng Đức, Angela Merkel có một vài điểm cần chú ý sau, trước hết, phải thấy rằng đây đã là chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 11 của bà Merkel từ khi lên làm Thủ tướng Đức năm 2005, tức là trong chính sách đối ngoại của Đức, Trung Quốc là đối tác quan trọng bậc nhất của nước này.
Trung Quốc hiện đã vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức, với kim ngạch hàng năm đạt khoảng 187 tỷ euro, Mỹ giờ chỉ đứng ở vị trí thứ 3. Tức là về mặt thương mại thì từ nhiều năm qua, Đức-Trung Quốc đã là đối tác rất lớn của nhau. Và trong bối cảnh mà chính quyền Mỹ của ông Donald Trump thúc đẩy các chính sách bảo hộ như thời gian qua thì sự hợp tác Đức-Trung càng trở nên quan trọng hơn với cả hai nước.
Vì điểm chung lớn nhất của Đức và Trung Quốc trong quan hệ thương mại với Mỹ, là hai nước đều có thặng dư thương mại với Mỹ rất lớn, với Trung Quốc là thặng dư đến 276 tỷ euro trong năm 2017 với Mỹ còn Đức có thặng dư 50 tỷ euro. Vì thế, cả Đức và Trung Quốc đều trong tầm ngắm của chính quyền của ông Donald Trump, đều nhiều lần bị ông Trump đe doạ chiến tranh thương mại.
Ở thời điểm hiện tại thì quan hệ kinh tế Mỹ-Trung tạm thời giảm căng thẳng sau khi hai bên đạt được thoả thuận tránh chiến tranh thương mại tuần qua, dù thoả thuận này còn rất mong manh. Tuy nhiên, nước Đức vẫn có nguy cơ bị kéo vào chiến tranh thương mại với Mỹ. Vì vậy, việc tăng cường mạnh mẽ hơn nữa quan hệ kinh tế với các cường quốc khác, ở đây là Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai và là đối tác thương mại số 1 của Đức, càng có ý nghĩa quan trọng hơn với chính phủ của bà Angela Merkel. Trước mắt thì nước Đức có thể tận dụng được một số điểm trong thoả thuận Mỹ-Trung tuần trước, như việc Trung Quốc cam kết giảm bớt thuế nhập khẩu ô tô, mà sẽ rất có lợi cho các doanh nghiệp ô tô hùng mạnh của Đức.
Vấn đề Iran
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, trong chuyến thăm đến Trung Quốc lần này, thương mại chỉ là ưu tiên số 2 của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, vì ưu tiên số 1 sẽ là bàn thảo về hồ sơ hạt nhân Iran.
Hồ sơ hạt nhân Iran mới là trọng tâm trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của bà Angela Merkel. Cả Đức và Trung Quốc đều là các bên ký kết của thoả thuận hạt nhân P5+1 với Iran năm 2015 và cả hai nước đều có lợi ích trong việc duy trì việc thực hiện thoả thuận này. Tuy nhiên, trong vấn đề này thì nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung ở vào tình thế khó khăn hơn nhiều so với Trung Quốc, vì các nước này bị kẹt giữa một bên là các lợi ích kinh tế ở Iran với một bên là quan hệ đồng minh truyền thống cực kỳ quan trọng với Mỹ.
o lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra. Nói cách khác, là các nước châu Âu và Nga, Trung Quốc phải đảm bảo đem lại các lợi ích kinh tế khác cho Iran để bù vào thiệt hại do Mỹ trừng phạt. Vì thế, châu Âu rất cần một siêu cường kinh tế như Trung Quốc đồng ý gánh vác trách nhiệm cùng, nhất là xét trên thực tế Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu dầu lửa rất lớn từ Iran.
Tuy nhiên, để thuyết phục được Trung Quốc tham gia cùng châu Âu bù đắp thiệt hại kinh tế cho Iran và chống lại quyết định đơn phương từ bỏ thoả thuận hạt nhân của Mỹ là việc rất phức tạp. Vì Trung Quốc có những lợi ích và các mối ưu tiên khác so với châu Âu trong hồ sơ Iran. Bản thân Trung Quốc cũng cần tránh tạo ra xung đột trực diện với Mỹ, nhất là trong bối cảnh rủi ro chiến tranh thương mại giữa hai siêu cường kinh tế này vừa mới tạm được đẩy lùi. Vì vậy, có thể bà Angela Merkel sẽ thuyết phục được các lãnh đạo Trung Quốc ủng hộ về mặt chính trị các quan điểm của châu Âu về hồ sơ hạt nhân Iran chứ thực tiễn Trung Quốc tham gia hành động ở mức độ nào là điều rất khó dự đoán.
Triển vọng quan hệ Đức-Trung sau này
Về mặt kinh tế, Đức và Trung Quốc từ nhiều năm qua đã là các đối tác kinh tế hàng đầu của nhau. Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của Đức còn Đức không chỉ là đối tác thương mại số 1 của Trung Quốc ở châu Âu mà còn là địa điểm đầu tư có tầm chiến lược với rất nhiều tập đoàn Trung Quốc. Trong vài năm gần đây, các tập đoàn lớn của Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào Đức.
Tuy nhiên, trong câu chuyện này thì lại nảy sinh một vấn đề khác, đó là các đầu tư của Trung Quốc tập trung quá nhiều vào các ngành công nghiệp mũi nhọn được coi như tinh hoa của Đức, như công nghiệp chế tạo robot, năng lượng hay công nghệ ô tô tự hành… nên đang gây ra rất nhiều lo ngại từ phía Đức nói riêng và từ châu Âu nói chung về việc sẽ đánh mất ưu thế công nghệ.
Thời gian qua, chính phủ Đức đã phải ra nhiều quy định để kiểm soát chặt chẽ hơn các dự án đầu tư nước ngoài, mà chủ yếu là từ các tập đoàn Trung Quốc, vào các ngành mũi nhọn của nước này. Trong chuyến thăm Trung Quốc, chắc chắn bà Merkel sẽ đề cập đến chủ đề tương đối nhạy cảm này và theo truyền thông Đức thì bà Merkel sẽ yêu cầu thực hiện nguyên tắc “có đi, có lại”, tức cũng buộc Trung Quốc mở cửa mạnh hơn cho đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực nội địa của Trung Quốc.
Về tổng thể, thì dù có một số e ngại về mặt chiến lược đầu tư, nhưng quan hệ kinh tế Đức-Trung sẽ vẫn phát triển mạnh và chặt chẽ hơn bởi đây là 2 trong số 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đã phát triển quan hệ thương mại quy mô rất lớn.
Mối quan hệ kinh tế tốt đẹp này sẽ củng cố quan hệ chính trị. Tuy nhiên, nước Đức hiện tại không mang những tham vọng chính trị và ngoại giao lớn của một cường quốc thế giới và cũng thiếu tiềm lực quân sự để gây ảnh hưởng ra bên ngoài, vì thế, trong quan hệ với Trung Quốc thì nước Đức chủ yếu tập trung vào khía cạnh kinh tế và ở một số hồ sơ quốc tế nhất định mà Đức có tham gia như hồ sơ hạt nhân Iran, chứ hoàn toàn không có khả năng Đức đi tìm kiếm các đối tác an ninh khác để thay thế nước Mỹ, vốn là đồng minh quan trọng nhất của châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay./.
Quang Dũng/VOV-Paris
© 2024 | Thời báo ĐỨC