Chuyện lạ ở ngôi trường thú vị nhất nước Đức

Năm ngoái, khi Anton Oberländer và nhóm bạn thiếu tiền cho chuyến đi cắm trại ở Cornwall, Anton trình bày với lãnh đạo công ty đường sắt quốc gia Đức để xin ít vé miễn phí. Ấn tượng với phần giải trình đầy thuyết phục ấy, lãnh đạo công ty đường sắt đã mời Anton làm diễn giả trước 200 nhân viên.

Chuyện lạ ở ngôi trường thú vị nhất nước Đức - 0

Ảnh minh họa

Đáng nói, Anton mới 14 tuổi và sự tự tin của cậu là sản phẩm của một tổ chức giáo dục độc đáo khiến các quy ước về giảng dạy truyền thống hoàn toàn đảo lộn.

Triết lý về ngôi trường hiện đại

Tại trường Evangelical Berlin (ESBC) nơi Anton theo học, học sinh ở độ tuổi dưới 15 không được chấm điểm, không phải theo thời khóa biểu và cũng không có kiểu như bài giảng. Học sinh sẽ tự quyết định môn mà mình muốn học và khi nào sẽ kiểm tra.

Các môn học ở trường ESBC chỉ có Toán, tiếng Đức, tiếng Anh và các môn xã hội, đồng thời có bổ sung thêm các khóa học trừu tượng như “trách nhiệm” và “thử thách”. Ví như trong khóa học thử thách, học sinh từ 12 đến 14 tuổi được phát 150 euro và phải thực hiện một hành trình mà các em tự lên kế hoạch. Một số em chèo thuyền, một số khác làm việc ở nông trại còn Anton đi leo núi ở vùng bờ biển phía Nam nước Anh.

Triết lý đằng sau sự khác biệt này rất đơn giản. Theo Hiệu trưởng Margret Rasfeld, khi những yêu cầu của thị trường lao động thay đổi, điện thoại thông minh và internet đang thay đổi cách xử lý thông tin ở người trẻ, kỹ năng quan trọng nhất mà học sinh có thể học được từ nhà trường là khả năng tự khuyến khích mình. “Hãy xem những em bé 3-4 tuổi, chúng tràn đầy sự sự tin. Thông thường trẻ em rất háo hức đi học nhưng đáng buồn là hầu hết các trường bằng cách nào đó đều không tăng cường được sự tự tin đó”, bà Margret Rasfeld nói.

Theo bà Margret Rasfeld, ESBC đang cố gắng “tạo ra một trường học thực sự”. Nhiệm vụ của một ngôi trường tiến bộ là chuẩn bị những gì cần thiết nhất để các em học sinh thích ứng với những thay đổi và thậm chí đón trước sự thay đổi. Trong thế kỷ 21, trường học nên coi trọng phát triển các cá tính mạnh mẽ.

Nữ hiệu trưởng của ngôi trường đặc biệt này cho rằng, việc bắt học sinh lắng nghe giáo viên trong 45 phút và phạt khi chúng làm chung bài không chỉ lạc lõng so với yêu cầu việc làm của thế giới hiện đại, mà còn phản tác dụng. “Không có gì khuyến khích các em hơn việc các em tự khám phá ra ý nghĩa môn học theo cách riêng của chúng” – bà nói.

Học sinh ở trường ESBC được khuyến khích tư duy theo các cách khác nhau để chứng minh các kỹ năng các em đã học được, ví dụ như lập trình một trò chơi trên máy tính thay vì ngồi làm bài kiểm tra toán. Hay với trường hợp Oberländer, cậu chưa bao giờ xa nhà quá 3 tuần cho tới khi thực hiện thử thách của mình là chuyến đi ở Cornwall. Cậu thấy trong chuyến đi này mình học được nhiều tiếng Anh hơn so với vài năm học ngoại ngữ tại trường.

Nhân rộng mô hình của ESBC

Cơ cấu giáo dục của Đức được liên bang hóa, theo đó mỗi bang trong số 16 bang đều lập hệ thống giáo dục riêng của mình, trong đó cho phép phát triển mô hình “học tự do”. Tuy nhiên, trường của bà Rasfeld cố gắng gắn việc tự chọn môn học vào một hệ thống các quy định tương đối nghiêm ngặt. Học sinh nào vẽ trong giờ học sẽ phải đến trường vào sáng thứ bảy để học thêm. Bà Rasfeld cho rằng “càng có tự do thì bạn càng cần khuôn khổ”.

ESBC được xem là ngôi trường thú vị nhất nước Đức do đã tạo ra những kết quả ấn tượng. Năm nào cũng vậy, học sinh nhà trường đều đạt điểm cao nhất trong số các trường ở Berlin. Nhà trường mở cửa năm 2007 với 16 học sinh, nhưng giờ đây đã hoạt động hết công suất với 500 học sinh và hiện có một danh sách dài những học sinh muốn theo học.

Với thành công có được của ngôi trường này, người ta đang kêu gọi nhân rộng phương pháp mà trường áp dụng trên cả nước. Khoảng 40 trường học ở Đức đang trong quá trình áp dụng một vài hoặc tất cả các phương pháp của ESBC. Tuy nhiên, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, phương pháp của trường có thể khó áp dụng bên ngoài vì chỉ ở Berlin, nhà trường mới có thể dễ dàng nhận những học sinh sáng giá nhất từ các gia đình khá giả.

Mặc dù ESBC là một trong số 5.000 trường tư nhân ở Đức, nhưng học phí ở đây khá thấp so với các trường ở Anh và có khoảng 5% học sinh được miễn học phí. Có điều bà Rasfeld thừa nhận rằng, việc tìm giáo viên phù hợp với phương pháp học tập ở trường đôi lúc còn khó hơn yêu cầu học sinh làm theo.

Theo Mỹ Anh

An Ninh Thủ Đô


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày