Chuyến thăm Nga của ông F.Steinmeier đã nối lại một hoạt động truyền thống bị người tiền nhiệm là Tổng thống Joachim Gauck (2012-2017) lãng quên.
Theo thông lệ, kể từ khi nước Đức thống nhất vào năm 1990, tất cả các đời tổng thống đều đã đến thăm Nga và coi đây là một "việc cần làm" sau khi đắc cử.
Vậy nhưng, từ năm 2010 hoạt động này bị gián đoạn.
Theo các nhà phân tích, sở dĩ ông J.Gauck không làm theo thông lệ do có nhiều quan điểm không đồng nhất với Tổng thống V.Putin. Trong suốt thời gian nắm quyền, Tổng thống thứ 11 của nước Đức chỉ gặp người đồng nhiệm phía Nga có một lần vào dịp “ông chủ” Điện Kremlin tới Pháp năm 2012.
Một phần khác vì suốt 3 năm qua, quan hệ giữa Nga và Đức cũng như Liên minh Châu Âu (EU) bị phủ bóng bởi những tranh cãi xung quanh cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine, đỉnh điểm là sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Tổng thống Đức F.Steinmeier (phải) và người đồng cấp Nga V.Putin.
Mối quan hệ lạnh nhạt cùng với các biện pháp trừng phạt lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực đã gây thiệt hại cho cả hai phía.
Theo thống kê của Đức, kim ngạch xuất khẩu của nước này vào Nga đã giảm tới 50%, hàng trăm công ty phải rút khỏi xứ sở Bạch dương. Trong khi đó, Nga mất khoảng 52-55 tỷ USD, tương đương 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Tuy nhiên, hiện nay Đức vẫn là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Nga.
Đầu năm 2017, nhiều tín hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện trong quan hệ giữa hai nước. Song song với đó, kết quả hợp tác thương mại cũng rục rịch gia tăng. Nếu năm 2016 kim ngạch thương mại hai chiều giảm 11% thì trong nửa đầu năm nay đã tăng thêm 25%.
Đầu tư trực tiếp từ Đức vào Nga trong quý I-2017 đạt 312 triệu USD, cao hơn nhiều so với cả năm 2016. Hơn nữa, hiện có hơn 5.500 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Nga với tổng doanh thu vượt 50 tỷ USD.
Thông tin này cũng được Tổng thống Nga V.Putin khẳng định sau cuộc hội đàm ngày 25-10 với Tổng thống Đức F.Steinmeier tại thủ đô Mátxcơva. Ông cho rằng, dù đang đối mặt với những khó khăn chính trị, song quan hệ Nga - Đức không “giậm chân tại chỗ” và hai bên nhất trí cùng nhau phát triển hơn nữa mối quan hệ song phương.
Ngoài các vấn đề kinh tế, trong các cuộc gặp, hai bên đã đề cập nhiều vấn đề quốc tế cùng quan tâm, trong đó có cuộc khủng hoảng tại Syria và tình hình Ukraine. Lãnh đạo hai nước cũng thảo luận sáng kiến của Nga thành lập phái bộ Liên hợp quốc để bảo đảm an ninh cho các nhà quan sát Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) tại khu vực xung đột.
Về phần mình, Tổng thống Đức F.Steinmeier kêu gọi nỗ lực cải thiện quan hệ Nga - Đức. Ông F.Steinmeier cho rằng, cần xóa đi sự xa cách ngày càng lớn giữa hai nước trong những năm gần đây. Để làm được điều này, hai bên cần tiếp tục đối thoại, tìm giải pháp cho các cuộc khủng hoảng.
Hiện tại, cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine vẫn chưa kết thúc, nhiều bất đồng giữa Nga với các nước phương Tây về vấn đề Syria, Iran, Triều Tiên vẫn chưa tìm được cách hóa giải, nên chưa thể khẳng định chuyến thăm này có thực sự hàn gắn được mối quan hệ Nga - Đức hay không.
Tuy nhiên, động thái này cho thấy thiện chí hướng tới mục tiêu bình thường hóa mối quan hệ vốn đầy sóng gió giữa hai bên thời gian qua.
Tổng thống Đức F.Steinmeier nhấn mạnh: “Phải rất khó khăn chúng ta mới có mối quan hệ trở lại bình thường. Bởi vẫn còn đó nhiều vết thương, nhiều mâu thuẫn. Mục tiêu chung hiện nay là thu hẹp những cách biệt, xây dựng lại niềm tin”.
Quỳnh Dương, HNM
© 2024 | Thời báo ĐỨC