Thủ tướng Angela Merkel trả lời phỏng vấn trước cuộc đàm phán ở Berlin. Ảnh: AFP/TTXVN
Thủ tướng Merkel ban đầu muốn kết thúc các cuộc đàm phán vào ngày 16/11 để tránh nguy cơ phải tiến hành cuộc bầu cử mới, tuy nhiên khi thời hạn chót trôi qua và các cuộc đàm phán vẫn không đạt được thỏa thuận, bà đã đồng ý để cuộc đàm phán tiếp tục ngày 17/11.
Ông Volker Kauder, lãnh đạo phái Liên minh Dân chủ (CDU) của bà Merkel trong Quốc hội, cho biết các cuộc đàm phán có thể tiếp tục đến ngày nghỉ cuối tuần.
Ông Wolfgang Kubicki, Phó Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (FDP), xác nhận các đảng vẫn còn bất đồng về các vấn đề then chốt như chính sách nhập cư, chống biến đổi khí hậu, tài chính và an ninh nội địa.
Liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) muốn siết chặt chính sách tị nạn sau khi cử tri trừng phạt quyết định của bà Merkel về việc tiếp nhận hơn 1 triệu người nhập cư kể từ năm 2015. Cho dù CDU/CSU giành chiến thắng liên đảng cầm quyền này đã nhận được số phiếu bầu thấp nhất kể từ năm 1949 trong cuộc tổng tuyển cử hồi cuối tháng 9 vừa qua.
Các đồng minh trong đảng CSU của bà Merkel thậm chí kêu gọi hạn chế số người nhập cư, ngược lại với quan điểm của đảng Xanh, vốn muốn giảm hạn chế đối với các chương trình đoàn tụ gia đình của những người tị nạn.
Ông Wolfgang Kubicki kêu gọi đảng Xanh có lập trường mềm mỏng hơn, nhưng đảng này dường như sẽ không thỏa hiệp. Trong khi đó, các đề nghị của đảng Xanh về hạn chế các loại xe động cơ diesel gây ô nhiễm và đóng cửa 20 nhà máy điện chạy bằng than đá của nước này lại vấp phải sự phản đối từ CDU/CSU và FDP vì các đảng này lo ngại sẽ dẫn tới tình trạng mất việc làm và phá hoại ngành năng lượng và ô tô hùng mạnh của Đức.
Các nhà quan sát cho rằng dù đang bế tắc nhưng các đảng tham gia đàm phán thành lập chính phủ liên minh đều muốn tránh một cuộc bầu cử mới vì nếu điều này xảy ra sẽ giúp gia tăng số phiếu ủng hộ cho đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu.
TTXVN/Báo Tin tức
© 2024 | Thời báo ĐỨC