Theo trang tin Politico, nguồn tin từ châu Âu cho thấy rõ ràng những tranh luận xung quanh việc cấm mang laptop lên khoang hành khách của các máy bay từ châu Âu đến Mỹ đã khép lại, mặc dù chính quyền Mỹ vẫn nói có thể sẽ thay đổi quyết định, căn cứ vào các đánh giá thực tế về nguy cơ khủng bố.
“Không cấm nữa”, một quan chức của Ủy ban châu Âu (EC) thông tin sau cuộc thảo luận qua điện thoại ngày 30-5 giữa Bộ trưởng An ninh nội địa John Kelly và hai người đồng cấp châu Âu.
Nhân viên Cơ quan An ninh Vận tải Mỹ (TSA) kiểm tra hành lý hành khách tại sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York, Mỹ. Ảnh: REUTERS
Vị quan chức EC cho biết thêm: “Cả hai bên đã nhất trí sẽ tăng cường các đối thoại về mặt kỹ thuật và cố gắng tìm một giải pháp chung”.
Trong thông cáo, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết Bộ trưởng Kelly và các quan chức đồng cấp châu Âu nhất trí “về nhu cầu cần tăng cường lệnh cấm nhằm đảm bảo an ninh hàng không toàn cầu, trong đó có thể áp dụng một loạt các biện pháp đã có hoặc chưa có”.
Thông cáo cho biết thêm: “Bộ trưởng Kelly khẳng định ông sẽ triển khai bất cứ lúc nào và mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn của các chuyến bay thương mại tới Mỹ – trong đó có việc cấm hành khách mang các thiết bị điện tử cỡ lớn lên khoang hành khách – trong trường hợp thông tin tình báo và mức độ nguy cơ ở mức cần làm như vậy”.
Như vậy quyết định về vấn đề cấm mang laptop lên máy bay của Mỹ vừa công bố đã khiến cả hai bờ Đại Tây Dương cùng thở phào nhẹ nhõm.
Giới chức ngành hàng không hai bờ Đại Tây Dương thời gian qua rất lo ngại về hệ quả khôn lường của lệnh cấm do phía Mỹ muốn đưa ra đối với hoạt động kinh doanh. Nếu được áp dụng, nó sẽ ảnh hưởng tới 390 chuyến bay mỗi ngày, theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế.
Tháng 3 năm nay, Mỹ áp lệnh cấm hành khách mang các thiết bị điện tử cỡ lớn trong hành lý xách tay trên các chuyến bay trực tiếp đến Mỹ từ 10 sân bay ở Trung Đông và Bắc Phi. Lệnh cấm hiện đang được áp dụng này ảnh hưởng tới 350 chuyến bay mỗi tuần.
Theo Tuổi Trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC