Chiến sự Ukraine: G7 tìm giải pháp

Ngày 26-6, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã khai mạc tại lâu đài Elmau thuộc bang Bayern, miền nam nước Đức. Vấn đề chính của hội nghị lần này là chiến sự tại Ukraine.

1 Chien Su Ukraine G7 Tim Giai Phap

Lãnh đạo nhóm G7, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu trong cuộc họp bàn tròn đầu tiên ở lâu đài Elmau (Đức) vào ngày 26-6 - Ảnh: REUTERS

Chiến tranh phải dừng lại và các chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu cần được tái kích hoạt.

Tổng thống Joko Widodo

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 5 nhưng chưa biết kết thúc lúc nào và bằng cách gì.

Ngừng bắn hay suy thoái kinh tế?

Nhóm G7 gồm Mỹ, Nhật, Pháp, Ý, Đức, Anh và Canada. Đến dự G7 với tư cách khách mời, Tổng thống Joko Widodo của Indonesia - quốc gia hiện giữ vai trò chủ tịch G20 năm nay - cho biết trong chuyến thăm Nga và Ukraine cuối tháng này, ông sẽ thúc giục Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Volodymyr Zelensky mở ra cơ hội đối thoại.

Tổng thống Widodo nhấn mạnh ông sẽ yêu cầu người đồng cấp Putin ra lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Ông Widodo sẽ là lãnh đạo một quốc gia châu Á đầu tiên đến thăm Nga và Ukraine kể từ khi chiến sự nổ ra.

Dù nằm cách xa địa điểm xung đột nhưng Indonesia cũng không tránh được các tác động kinh tế từ cuộc chiến vốn đang lan rộng khắp thế giới. Tổng thống Widodo cho biết ông sẽ khuyến khích các nước G7 tìm kiếm hòa bình ở Ukraine và tìm ra giải pháp ngay lập tức cho các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng toàn cầu.

Sức ép kêu gọi kết thúc xung đột Nga - Ukraine ngày càng tăng. Tại châu Âu, Hungary đã kêu gọi tiến hành các cuộc hòa đàm ngay lập tức để chấm dứt chiến tranh, đồng thời cảnh báo cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế khiến các chính phủ trên khắp châu Âu đau đầu.

Ông Balázs Orbán, phụ tá cấp cao của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, cho biết việc thực hiện lệnh ngừng bắn nhanh chóng lúc này là "cơ hội duy nhất" để châu Âu tránh khỏi một cuộc suy thoái kinh tế. 

Ông dự đoán chính phủ các nước EU khác sẽ chuyển từ việc ủng hộ Ukraine về mặt quân sự sang hướng giải pháp "hợp lý" và nhanh chóng kết thúc xung đột trong vài tháng tới.

Theo báo Financial Times, gần như tất cả nước thành viên của EU và liên minh quân sự NATO thời gian qua ủng hộ các hoạt động quân sự của Ukraine chống lại Nga và có nước đã gửi vũ khí cho Kiev. 

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này, Mỹ và các đồng minh vẫn tiếp tục siết các lệnh trừng phạt áp lên Nga khi cho biết sắp công bố lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga - một động thái có thể khiến Nga tổn thất tiền tỉ USD.

Bàn "kế hoạch Marshall" cho Ukraine

Mặc dù chưa rõ hồi kết của xung đột Nga - Ukraine nhưng các lãnh đạo phương Tây đã bàn đến vấn đề tái thiết Ukraine thời hậu chiến, trong đó nổi bật là một "kế hoạch Marshall" mới cho Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói chuyến thăm gần đây của ông đến Ukraine đã nhắc nhở ông về sự tàn phá trên diện rộng từng là đặc điểm của nhiều thành phố của Đức sau Thế chiến II. "Cũng giống như châu Âu từng bị chiến tranh tàn phá, Ukraine ngày nay cần một kế hoạch Marshall để tái thiết" - ông Scholz nói.

Sau Thế chiến II, vào năm 1947, ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông George C. Marshall đã đề nghị thiết lập Kế hoạch phục hưng châu Âu (ERP) để giúp tái thiết phần lớn châu lục này sau khi bị chiến tranh tàn phá. Ngày nay, kế hoạch này thường được gọi là "kế hoạch Marshall" do đặt theo tên ông Marshall.

Theo kế hoạch này, Mỹ đã cung cấp các khoản vay để tài trợ cho những nỗ lực tái thiết châu Âu cũng như đưa hàng hóa, nguyên liệu thô và thực phẩm vào châu Âu. Hơn 12 tỉ USD khi đó (tương đương 150 tỉ USD ngày nay) đã được cung cấp cho 16 quốc gia trong đó có Tây Đức, Ý, Pháp và Anh từ năm 1948 đến 1952.

"Chúng ta sẽ cần thêm hàng tỉ euro và USD cho mục đích tái thiết trong nhiều năm tới" - ông Scholz nói với Quốc hội Đức về "kế hoạch Marshall" cho Ukraine. Ông mong muốn Ukraine tiếp tục nhận được sự hỗ trợ rộng rãi của châu Âu về tài chính, kinh tế, nhân đạo và chính trị cũng như vũ khí.

Ông Werner Hoyer, lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), mong đợi Ukraine sẽ được hỗ trợ tài chính hàng tỉ USD. Ông nói rằng cần có một chương trình nhắm mục tiêu đến "toàn cầu, thay vì chỉ những người nộp thuế ở Liên minh châu Âu (EU)".

Trong khi đó, EU đề xuất các nỗ lực tái thiết nên được thực hiện có sự phối hợp của Ukraine với các quốc gia EU, nhóm G7, G20 cũng như các tổ chức và định chế tài chính quốc tế. Tuy nhiên, tiến sĩ Ariel Cohen, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng "việc thảo luận về các chương trình tái thiết cụ thể trong khi chiến sự vẫn tiếp diễn là điều quá sớm".

Kiev lại bị tấn công

Theo Hãng tin Reuters, ngày 26-6, trong lúc các lãnh đạo G7 tề tựu tại Đức thì lần đầu tiên trong nhiều tuần Ukraine cho biết Nga đã tấn công tên lửa vào thủ đô Kiev mặc dù đã chuyển hướng tấn công sang miền đông Ukraine. Có tới 4 vụ nổ đã vang lên ở trung tâm Kiev trong những giờ đầu ngày.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã sử dụng vũ khí chính xác cao để tấn công các trung tâm huấn luyện quân đội Ukraine ở các vùng Chernihiv, Zhytomyr và Lviv của Ukraine.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày