Châu Âu vẫn lúng túng trước dòng người tỵ nạn

Người tỵ nạn tiếp tục là một trong những vấn đề đau đầu nhất của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2016.

 

Châu Âu vẫn lúng túng trước dòng người tỵ nạn - 0 Ảnh: Reuters

Sự thuyên giảm tiềm ẩn nguy cơ

Theo thống kê, số lượng người di cư vào châu Âu năm 2016 giảm xuống còn khoảng trên 300.000-520.000 người năm 2015. Tuy nhiên, lại xuất hiện một số xu hướng đáng lo ngại khác.

Châu Âu vẫn lúng túng trước dòng người tỵ nạn - 1

Gặp khó khăn khi tìm cách tiến vào EU bằng đường bộ, người tỵ nạn đành phải chấp nhận rủi ro lênh đênh trên các con tàu vượt Địa Trung Hải. Ảnh: Reuters

Sau khi tuyến đường qua các nước Balkan bị phong tỏa, dòng người tỵ nạn lại dùng các tuyến đường cũ để vào châu Âu. Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR), trong năm qua có hơn 179.000 người vượt Địa Trung Hải để tới Italy.

Việc tăng cường truy quét và tuần tra đã dẫn tới việc những người di cư phải lựa chọn các cách thức mạo hiểm hơn để vượt biển vào châu Âu.

Mặc dù số lượng người di cư vượt biển vào châu Âu năm 2016 giảm 42%, nhưng số lượng người thiệt mạng khi cố vượt Địa Trung Hải tăng gần 1.000 người so với năm 2015 (từ 3.771 lên 4.742 người). Nơi đây đã trở thành “nghĩa địa lớn” của người tỵ nạn.

Điều đáng lưu ý là tỉ lệ trẻ em đi một mình đang tăng lên, và một số lượng lớn trẻ em “biến mất” khỏi các trại tỵ nạn và trung tâm tiếp nhận người di cư (khoảng 10.000 trẻ em từ đầu năm 2016 đến nay).

Năm 2016, số lượng người xin cư trú tại các nước châu Âu giảm khoảng 250.000, nhưng vẫn ở mức 1.075.350 người.

Chia rẽ nội bộ

Châu Âu cho tới nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trước vấn đề người nhập cư. Tại Hội nghị Bộ trưởng Nội vụ châu Âu diễn ra cuối tháng 11 vừa qua ở Bỉ, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere thừa nhận EU đang bị chia rẽ nghiêm trọng và còn quá nhiều bất đồng trong vấn đề này.

Trước hết là việc phân bổ định mức người tỵ nạn. Năm 2015, EU đưa ra thỏa thuận mỗi nước thành viên phải tiếp nhận một số lượng nhất định người xin tỵ nạn, tuỳ thuộc vào quy mô dân số, diện tích và điều kiện kinh tế của mỗi nước.

Hiện, Brussels vẫn đang nỗ lực để thực thi thỏa thuận này, cụ thể là phân bổ tới các nước thành viên 160.000 người xin tỵ nạn, chủ yếu là người Syria, Iraq và Eritrea, tạm trú ở Italia và Hy Lạp. Nhưng đây vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất, đặc biệt giữa các nước khu vực phía Đông và các nước khu vực phía Tây EU.

Nếu như các nước Tây Âu ủng hộ một “sự thống nhất linh hoạt”, sẵn sàng mở cửa tiếp nhận người nhập cư, thì các nước Đông Âu (như nhóm Visegrad gồm Ba Lan, Hungary, Slovakia, Czech) lại ra sức bác bỏ hạn ngạch tiếp nhận người tỵ nạn. Hungary và Slovakia còn khiếu nại lên Tòa án Công lý châu Âu để phản đối kế hoạch chia sẻ tiếp nhận người tỵ nạn của EU.

Hồi cuối tháng 11 vừa qua, hàng triệu người dân Hungary đi bỏ phiếu trả lời “không” cho vấn đề EU áp đặt việc tái định cư người tỵ nạn tại nước này. Đây là đỉnh cao của sự bất tuân giữa một nước thành viên EU với chính sách chung của Liên minh.

Ước tính cho tới nay, mới chỉ có 6% trong tổng số 66 nghìn người đến Hy Lạp năm 2015 được tái định cư tại các nước thành viên EU. Số còn lại đang phải sống trong các trung tâm tiếp nhận để chờ việc xử lý đơn xin tỵ nạn.

Châu Âu vẫn lúng túng trước dòng người tỵ nạn - 0

Người tỵ nạn đã không còn được chào đón tại các nước châu Âu, đặc biệt là các quốc gia Đông Âu. Ảnh: Reuters

Những nỗ lực và hệ lụy

Trước vấn đề người tỵ nạn, EU đã tăng cường biện pháp kiểm soát. Cơ quan châu Âu về bảo vệ biên giới và bờ biển (EBCG) do Ủy ban châu Âu đề xướng tháng 12/2015 để thay thế tổ chức Frontex, với thẩm quyền lớn hơn,  đã đi vào hoạt động từ 6/10/2016.

EBCG có mục tiêu hợp nhất các phương tiện của các thành viên EU để kiểm soát tốt hơn các đường biên giới ngoại vi. Tới năm 2020, EBCG sẽ có kinh phí 322 triệu Euro, 1.000 nhân viên chính thức và 1.500 quân dự bị.

EU cũng quan tâm tới việc giải quyết nguồn gốc của tỵ nạn. Tại Hội nghị thượng đỉnh Âu-Phi tại Malta tháng 11/2015, EU đã tăng cường hợp tác với nhiều nước châu Phi như hỗ trợ các dự án phát triển (với việc thành lập một quỹ 1,8 tỷ Euro) hay thỏa thuận EU-Mali đạt được ngày 11/12 về ngăn chặn người di cư.

Với các thành viên EU, đi đầu trong chính sách cứu trợ người tỵ nạn là nước Đức của Thủ tướng Angela Merkel. Liên minh cầm quyền Đức đã nhất trí về một dự thảo ngân sách cho năm 2017 với mức chi nhiều hơn cho các lĩnh vực an ninh và viện trợ nhân đạo.

Đức sẽ dành 1,2 tỷ USD cho các chương chống nguyên nhân của cuộc khủng hoảng di cư, và rót thêm 50 triệu USD cho một chương trình hỗ trợ những người xin tỵ nạn nhưng bị từ chối.

Để hạn chế số lượng người di cư đến châu Âu, Đức sẽ sớm công bố “Kế hoạch Marshall cho châu Phi”, đẩy mạnh đầu tư vào châu Phi.

Châu Âu vẫn lúng túng trước dòng người tỵ nạn - 3

Vụ tấn công chợ Giáng sinh Berlin đã khiến bà Merkel phải đối mặt với những hệ lụy “không mấy dễ chịu” từ việc mở cửa đón người nhập cư. Ảnh Reuters

Tuy nhiên, bản thân Thủ tướng Angela Merkel và chính phủ của bà đang phải chịu những hệ lụy từ chính sách nhân đạo này. Một loạt các sự cố đã diễn ra gần đây trên đất Đức liên quan đến người nhập cư, như sự cố đêm giao thừa 2016 ở Cologne khi một số thanh niên gốc Bắc Phi, Arab sàm sỡ, cướp giật phụ nữ Đức, xả súng ở Munich hay nghiêm trọng nhất là vụ “xe điên” tối 19/12 tại chợ Noel Berlin.

Những sự kiện này đã tạo cơ hội cho cánh hữu đối lập và các đảng dân túy kích động để kêu gọi biểu tình phản đối, điển hình là các cuộc biểu tình của phong trào PEDIDA hồi đầu năm.

Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà Angela Merkel đã thất bại trong cuộc bầu cử cấp vùng tháng 3 trước thế đang lên của đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD). Đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) vừa đề xuất chính sách người tỵ nạn trái ngược với các biện pháp đang được Thủ tướng Angela Merkel theo đuổi, kêu gọi Chính phủ Đức phải áp đặt mức trần tiếp nhận người tỵ nạn 200.000 người/năm.

Điều đó cũng phản ánh xu thế chung ở nhiều nước Tây Âu khác như Pháp, Italy, Áo… với sự phát triển của các đảng cực hữu và phong trào dân túy.

Viễn cảnh ảm đạm

Bước sang năm 2017, vấn đề người tỵ nạn tại châu Âu chắc chắn vẫn khó khăn bởi nhiều yếu tố. Nguồn gốc của làn sóng di cư vẫn chưa được giải quyết khi xung đột, bất ổn định vẫn tiếp diễn ở các khu vực Trung Đông, Bắc Phi gần châu Âu.

Việc Mỹ, Nga và các đồng minh đẩy mạnh các chiến dịch tiêu diệt IS tại Iraq, Syria khiến hàng chục vạn người phải chạy tỵ nạn và đích đến hàng đầu vẫn là châu Âu.

Việc phong tỏa con đường Balkan có thể sẽ phải gỡ bỏ trước sức ép của dòng người và thảm họa sẽ vẫn tiếp tục xảy ra với những người mạo hiểm vượt Địa Trung Hải.

Thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề điều tiết lượng người tỵ nạn sang châu Âu (một trong những yếu tố được coi là làm giảm lượng người di cư sang châu Âu năm qua) đang có nguy cơ bị hủy bỏ do cuộc khủng hoảng nội bộ ở Thổ Nhĩ kỳ và mâu thuẫn giữa hai bên trong việc thực hiện cấp visa cho công dân Thổ Nhĩ Kỹ sang châu Âu.

Trong bối cảnh đó, các thành viên EU vẫn tiếp tục chia rẽ trong việc chia sẻ trách nhiệm và thống nhất giải pháp và bản thân nội bộ các nước cũng bị phân hóa sâu sắc trước vấn đề người tỵ nạn. Khối thống nhất của Liên minh châu Âu, vì thế, vẫn đang phải đối mặt với những thử thách rất lớn.

Nguồn: Thái Dương

VOV-Paris


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày