Châu Âu căng mình chống chịu với đợt bão tuyết và giá rét kỷ lục

Các nước châu Âu đang phải hứng chịu đợt bão tuyết và giá rét kỷ lục khi tuyết rơi dày trên cả mét khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ và giao thông đường bộ bị đình trệ.

Phần lớn khu vực châu Âu đang bước vào mùa Đông với thời tiết giá lạnh kèm tuyết rơi nhiều, trái ngược hoàn toàn so với năm ngoái khi thời tiết ấm áp và không có tuyết một cách bất thường.

Tại Munich, thành phố lớn thứ ba của Đức, tuyết rơi dày gần 1,5 mét vào cuối tuần qua, lập kỷ lục trong các tháng 12. Đây cũng là trận bão tuyết lớn nhất tại thành phố này kể từ đầu tháng 3/2006.

1 Chau Au Cang Minh Chong Chiu Voi Dot Bao Tuyet Va Gia Ret Ky Luc

Munich không phải là thành phố duy nhất ở châu Âu phải chịu đựng mùa Đông bất thường. Nước Đức và phần còn lại của châu Âu đang bị bao phủ trong tuyết, đặc biệt là từ dãy Alps về phía Bắc qua Đức và đến các khu vực ở Đông Âu.

Theo công ty theo dõi hàng không FlightAware, tuyết rơi dày buộc hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ. Tại Munich, hàng trăm chuyến bay đã bị hủy mỗi ngày kể từ cuối tuần trước vì tuyết. Sân bay Amsterdam, Sân bay Glasgow và nhiều sân bay khác phải tạm thời ngừng hoạt động.

Tuyết cũng ảnh hưởng đến hệ thống giao thông đường bộ và các tiện ích khác. Tại Cumbria, ở Tây Bắc nước Anh, tuyết phủ dày tới nửa mét khiến nhiều phương tiện bị mắc kẹt và khoảng 13.000 khách hàng bị mất điện.

Tuyết rơi dày trên khắp châu Âu

Hình ảnh vệ tinh và quan sát mặt đất cho thấy mức độ tuyết rơi đáng kể trên khắp châu Âu. Theo MeteoSwiss, Cơ quan Dự báo Thời tiết của Thụy Sĩ, các điểm theo dõi tuyết như ở dãy Alps ghi nhận lượng tuyết rơi trên mức trung bình, với một số điểm đạt mức cao kỷ lục vào thời điểm này trong năm.

2 Chau Au Cang Minh Chong Chiu Voi Dot Bao Tuyet Va Gia Ret Ky Luc

Hình ảnh vệ tinh cho thấy tuyết phủ trắng dãy Alps và các khu vực xung quanh. (Nguồn: NASA Worldview)

Nhà khí tượng học người Pháp Nahel Belgherze viết trên mạng xã hội X, trước đây là Twitter: “Châu Âu có thể đang trải qua mùa Đông có tuyết rơi dày nhất kể từ năm 2010.”

Ở dãy Alps, tuyết tích tụ bắt đầu từ giữa đến cuối tháng 11, khi không khí lạnh bắt đầu tràn về phía Nam từ vùng cực Bắc châu Âu, nơi nhiệt độ đã xuống dưới mức bình thường kể từ tháng 10. Trong những tuần gần đây, chỉ có Bán đảo Iberia và các quốc gia xung quanh biển Địa Trung Hải là tránh được phần lớn cái lạnh.

Trong bối cảnh tuyết rơi dày đặc ở miền Nam nước Đức, nhiệt độ đã giảm xuống gần hoặc thậm chí dưới âm 18 độ C, nhiệt độ thấp phổ biến hơn ở các quốc gia Scandinavi ở phía Bắc châu Âu.

Lớp phủ tuyết ở bán cầu Bắc trên mức trung bình

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia và Đại học Rutgers, lượng tuyết rơi ở Bắc bán cầu đã gần trên mức trung bình trong 8 tuần qua. Điều này xảy ra bất chấp lượng tuyết phủ dưới mức trung bình ở Bắc Mỹ.

Thời tiết giá lạnh và tuyết rơi dày cũng đã tràn qua nhiều vùng của Nga, trong đó có Siberia, những ngày gần đây. Một trong những trận tuyết rơi lớn nhất được ghi nhận đã xảy ra ở Moskva hôm 4.12, khiến các chuyến bay bị hủy và nhiều lái xe bị mắc kẹt giữa đường.

3 Chau Au Cang Minh Chong Chiu Voi Dot Bao Tuyet Va Gia Ret Ky Luc

Tuyết phủ trắng trên tuyến đường ở Lever Causeway, gần Birkenhead, Tây Bắc vùng England, ngày 10/3/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo nhà theo dõi thời tiết Thierry Goose, nhiệt độ ở Siberia đã giảm mạnh xuống mức -50 đến -57 độ C trong những ngày gần đây, một mức độ thấp đặc biệt vào thời điểm đầu mùa Đông như thế này.

Thời tiết mùa Đông khắc nghiệt ở châu Âu có liên quan đến giai đoạn tiêu cực của Dao động Bắc Cực (AO), cho phép không khí lạnh giá từ gần Bắc Cực di chuyển xuống phía Nam.

Nó có xu hướng hỗ trợ mô hình trong đó dòng không khí lạnh bị đẩy về phía Nam qua Quần đảo Anh trước khi cuộn tròn qua Nam và Trung Âu. Thông thường dòng không khí lạnh này cũng kéo dài sang Đông Âu và châu Á, như đã xảy ra trong tuần này.

Nhưng khi Dao động Bắc Cực tiêu cực đang giảm dần và được dự báo sẽ có xu hướng chuyển sang pha trung tính, cái giá lạnh mùa Đông có thể dần dần giảm bớt phần nào. Tuần này, Tây Âu sẽ dần tan băng, trong khi cái lạnh sẽ bớt khắc nghiệt hơn ở Đông Âu và Nga vào tuần tới.

Bất chấp thời tiết mùa Đông khắc nghiệt đang diễn ra ở châu Âu, hầu hết phần còn lại của hành tinh vẫn tiếp tục trải qua điều kiện ấm hơn nhiều so với bình thường. Dữ liệu chỉ ra rằng tháng trước là tháng 11 ấm nhất được ghi nhận trên Trái Đất và là tháng thứ năm liên tiếp đạt mức nóng kỷ lục./.

(Vietnam+)


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày