Căng thẳng ngoại giao Đức – Thổ Nhĩ Kỳ không có dấu hiệu hạ nhiệt khi hai bên đẩy cao cuộc khẩu chiến lên những nấc thang mới mà rất khó xuống nước.
Hôm thứ Hai (21.8), Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã tuyên bố Đức và phần còn lại của châu Âu nên ủng hộ phần đông có khuynh hướng dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ, những người không ủng hộ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Những lời phát ngôn của ông Gabriel đưa ra được Reuters nhận xét rằng có thể gây tổn thương cho mối quan hệ giữa Berlin với Ankara. “Hơn một nửa đất nước này có khuynh hướng dân chủ, họ không ủng hộ ông ta”, Gabriel nói tại cuộc họp ở vùng tây Saarland.
“Tôi tin rằng nhiều người ở Thổ Nhĩ Kỳ đang đặt niềm tin vào châu Âu và Đức trong việc ủng hộ nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ và không muốn thấy sự bất lực”.
Phát biểu của Ngoại trưởng Đức được đưa ra sau khi Tổng thống Erdogan đề nghị người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức phải tẩy chay các đảng phái chính của Đức trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 24.9. Cũng trong đợt chỉ trích Đức, ông Erdogan nói thẳng rằng Ngoại trưởng Gabriel cần biết mình là ai và mô tả các đảng phái chính ở Đức như là “kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cụ thể, hôm 19.8, Tổng thống Erdogan nói:
“Ông ta (Sigmar Gabriel) chẳng biết cái gì là giới hạn cả!
Ông là ai mà đòi nói chuyện với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ? Hãy biết giới hạn đi. Ông ta đang cố dạy chúng ta một bài học cơ đấy…
Ông tham gia chính trường được bao nhiêu năm? Ông năm nay bao nhiêu tuổi?”.
Tổng thống Erdogan cáo buộc Đức về việc chứa chấp những người tạo kịch bản vụ đảo chính đẫm máu năm ngoái nhằm lật đổ ông nhưng bất thành. Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 50.000 người, bao gồm cả công dân các nước châu Âu gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà chính trị phương Tây nói rằng đàn áp vụ đảo chính chỉ là một cái cớ để cho Erdogan thanh trừng các đối thủ.
Các nghị sĩ đảng Dân chủ Thiên chúa giáo của Thủ tướng Angela Merkel và cả các nghị sĩ đảng cánh tả đối lập cùng kêu gọi chính phủ xem xét việc phong tỏa tài sản nước ngoài của Erdogan và các cộng sự thân cận.
Đức có truyền thống có mối quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia ven bờ biển Đen cũng là đối tác thương mại lớn của Đức và thu hút rất đông du khách Đức. Tuy nhiên, các căng thẳng đã ảnh hưởng xấu đến quan hệ Đức – Thổ Nhĩ Kỳ.
Nước Đức chuẩn bị bầu cử quốc hội nên các đảng phải không muốn chùn bước trong vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bài phát biểu của mình vào tối thứ Hai vừa qua, ông Gabriel đã thận trọng đề cập đến việc trừng phạt. Ngoại trưởng Đức nói rằng Berlin không muốn vô tình làm tổn thương “các chủ nhà hàng nhỏ và bồi bàn ở bờ biển phía tây”.
Viết trên tạp chí Der Spiegel, ông Gabriel cho biết Đức cũng nên xác định các phe nhóm Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức phản đối Erdogan và hỗ trợ tài chính để họ chống lại cái mà ông gọi là ảnh hưởng của Ankara lên ba triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ qua các kênh tin tức và cơ sở tôn giáo do Ankara tài trợ.
Sự leo thang gần đây nhất trong cuộc khẩu chiến giữa Berlin – Ankara là việc Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Tây Ban Nha bắt giữ nhà văn Đức gốc Thổ Dogan Akhanli. Bị buộc tội khủng bố, Akhanli đã được thả ra nhưng không được rời Tây Ban Nha trong khi chính quyền Madrid thẩm định yêu cầu dẫn độ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo A.T / motthegioi.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC