Thủ tướng Đức Scholz liên kết cuộc khủng hoảng biên giới hiện nay với vụ bê bối hối lộ cấp thị thực vốn khiến chính phủ chống người nhập cư ở Ba Lan rung chuyển. Ảnh: Politico
Chính phủ Đức đang cân nhắc xem có nên áp dụng các biện pháp kiểm tra ở biên giới với Ba Lan để ngăn chặn dòng người xin tị nạn hay không, nhưng mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước - và hiện là một tranh cãi ngoại giao - có thể làm phức tạp các kế hoạch đó, theo Politico.eu ngày 25/9.
Chính phủ Đức của Thủ tướng Olaf Scholz đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc trấn áp mức độ di cư bất hợp pháp đang gia tăng, với nhiều người xin tị nạn hiện đang đến nước này qua biên giới Ba Lan và CH Séc. Các quan chức ở Berlin cho biết chính phủ hiện đang thảo luận với Ba Lan và CH Séc về việc áp dụng các biện pháp kiểm tra biên giới tạm thời.
Nhưng cuối tuần qua, ông Scholz đã liên kết cuộc khủng hoảng biên giới hiện nay với vụ bê bối hối lộ cấp thị thực đã làm rung chuyển chính phủ chống nhập cư của Ba Lan chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử.
“Tôi không muốn Ba Lan cứ đơn giản là cấp thị thực rồi rồi sau đó thảo luận về chính sách tị nạn của chúng ta”, Thủ tướng Scholz nói trong một cuộc mít tinh chính trị ở thành phố Nürnberg (Bavaria), đồng thời yêu cầu Chính phủ Ba Lan “làm rõ” vụ bê bối được cho là trong đó “một số thị thực đã được cấp thông qua hối lộ” ở Ba Lan.
Phản ứng về tuyên bố trên của ông Scholz, Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau cáo buộc những bình luận như vậy “cho thấy nỗ lực can thiệp vào công việc nội bộ của Ba Lan và chiến dịch bầu cử đang diễn ra ở Ba Lan”.
Ông Rau kêu gọi Thủ tướng Đức "tôn trọng chủ quyền của Ba Lan và kiềm chế những phát ngôn làm tổn hại đến mối quan hệ chung giữa hai nước".
Người phát ngôn của Chính phủ Đức, Steffen Hebestreit, đã bác bỏ quan điểm cho rằng Thủ tướng Scholz đang can thiệp vào công việc nội bộ của Ba Lan, nhưng cho biết Berlin sẽ tiếp tục “gây áp lực” với Warsaw để làm sáng tỏ “những cáo buộc lớn” liên quan đến vụ bê bối thị thực.
Căng thẳng giữa Đức và Ba Lan đã gia tăng trong bối cảnh chiến dịch bầu cử ở Ba Lan, trong đó đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền của Ba Lan thường nhắm vào Đức, bao gồm cả việc yêu cầu Chính phủ Đức trả tiền bồi thường cho Thế chiến thứ hai. Đức đã từ chối yêu cầu đó.
Đầu tuần này, thư ký báo chí của Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser nói với các phóng viên rằng có thể cần phải thực hiện các biện pháp kiểm soát ở biên giới Ba Lan và CH Séc để trấn áp “các băng nhóm tội phạm buôn người di cư trái phép vào nước này".
Khoảng 204.000 người đã yêu cầu tị nạn ở Đức trong vòng 8 tháng đầu năm 2023, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Friedrich Merz, lãnh đạo Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu của Đức, đã cảnh báo rằng các thành phố trực thuộc Đức đang “bị choáng ngợp một cách vô vọng” trước dòng người đổ vào.
Các đảng phái khác của Đức, như AfD (Alternative for Germany) cực hữu và ngay cả Đảng Xanh trung tả, một phần của chính phủ liên minh ba đảng của Đức, gần đây đã thay đổi chiến lược và hiện đang kêu gọi các biện pháp cứng rắn hơn để hạn chế tình trạng nhập cư.
Theo các chuyên gia, vụ bê bối thị thực bị cáo buộc chỉ đóng một vai trò tương đối nhỏ trong dòng di cư lớn hơn qua biên giới Ba Lan - Đức. Thay vào đó, biên giới Đức với Ba Lan và CH Séc đã trở thành con đường phổ biến của những kẻ buôn người.
Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Politico.eu)
© 2024 | Thời báo ĐỨC