Các quốc gia châu Âu dỡ bỏ hạn chế phòng dịch COVID-19 dù số ca nhiễm tăng vọt

Trên khắp châu Âu, các hạn chế phòng dịch COVID-19 đã dần được dỡ bỏ bất chấp nhiều quốc gia đang chứng kiến số ca nhiễm tăng kỷ lục.

Theo trang The Guardian (Anh), tại Đức, hầu hết các biện pháp kiểm soát đại dịch đã được dỡ bỏ từ ngày 20/3. Việc đeo khẩu trang bắt buộc sẽ chỉ còn được áp dụng khi sử dụng phương tiện công cộng, tới bệnh viện, trạm dưỡng lão và sẽ không còn hiệu lực khi người dân đến các địa điểm khác như cửa hàng, trường học, nhà hàng.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh số các ca nhiễm ở Đức đạt kỷ lục gần 300.000 ca/ngày vào hôm 18/3. Đức đã ghi nhận hơn 200 trường hợp t ử vong/ngày trong nhiều tuần gần đây. Phần lớn dân số bày tỏ lo ngại động thái nới lỏng này diễn ra quá sớm.

Các trường hợp mắc COVID-19 cũng đang tăng vọt ở Áo, Hà Lan, Thụy Sĩ và Pháp.

Tại Áo, nhà chức trách cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc khuyến cáo người dân thực hiện quy định đeo khẩu trang ở các không gian trong nhà khi số ca nhiễm tăng mạnh, với tỷ lệ 3.600ca/100.000 dân trong 7 ngày. Áo đang xem xét giảm thời gian cách ly do tình trạng thiếu nhân viên y tế trầm trọng.

Tại Pháp, hầu hết các hạn chế COVID-19 đã được dỡ bỏ từ ngày 14/3, bao gồm quy định đeo khẩu trang trong nhà, ngoại trừ trên phương tiện giao thông công cộng. Người dân phải xuất trình “hộ chiếu vaccine” hoặc chứng minh đã khỏi bệnh khi đến các địa điểm này. Theo các cơ quan y tế, số ca mắc mới ở Pháp đã tăng 1/4 kể từ tuần trước.

Song giới chức cho biết số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt và t ử vong do COVID-19 ở nước này đã suy giảm. Trong bài thuyết trình kéo dài 4 tiếng về chương trình bầu cử, Tổng thống Emmanuel Macron chỉ đề cập rất ít đến đại dịch.

Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tuyên bố ông không tin rằng virus đã bị đánh bại. Quan điểm này tương tự cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới rằng đại dịch “còn lâu mới kết thúc”.

Các quốc gia như Italy và Tây Ban Nha, những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong giai đoạn đầu của COVID-19 hồi năm 2020, lại có cách tiếp cận thận trọng hơn khi nới lỏng quy định phòng dịch.

Ở Tây Ban Nha, người dân vẫn được yêu cầu đeo khẩu trang trong trường học, nhà hàng, trên phương tiện giao thông công cộng và các không gian trong nhà khác. Trong 2 tuần qua, nước này đã ghi nhận trên 211.200 ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng giường chăm sóc đặc biệt đã giảm xuống dưới 3% so với 6,6% ở hai tuần trước.

Tây Ban Nha có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất ở châu Âu, với 92,3% dân số trên 12 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, trong khi 51,3% người dân đã tiêm 3 mũi. Chính phủ Tây Ban Nha có ý định sớm loại bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở không gian trong nhà, nhưng cho biết họ vẫn chưa sẵn sàng ấn định ngày chính thức.

“Tình hình hiện tại cho thấy chúng ta đang ngày càng tiến gần hơn đến thời điểm đó.Tuy nhiên đối với chúng tôi, việc dỡ bỏ quy định phòng dịch cũng quan trọng như khi chúng tôi áp đặt điều đó”, Bộ trưởng Y tế Carolina Darias cho biết. Tây Ban Nha đã ghi nhận ít nhất 101.000 ca t ử vong vì COVID-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

1 Cac Quoc Gia Chau Au Do Bo Han Che Phong Dich Covid 19 Du So Ca Nhiem Tang Vot

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Bệnh viện Doce de Octubre ở Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Hôm 17/3, Italy đã công bố kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng dịch bất chấp số ca nhiễm tăng mạnh kể từ đầu tháng 3. Sau hai năm bùng phát, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 157.000 người dân nước này. Dự kiến, Italy sẽ dỡ bỏ yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng khi tới các địa điểm công cộng, từ rạp hát đến nhà hàng.

Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết đất nước đã sẵn sàng đối phó với COVID-19 vì gần 84% người Italy đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine.

Trong khi đó, ở một số quốc gia Bắc Âu, nơi hầu như tất cả các hạn chế đã được bãi bỏ, số ca nhiễm đã giảm đáng kể trong nhiều tuần, sau làn sóng lây nhiễm kỷ lục hồi tháng 2. Một số chuyên gia cho rằng xu hướng suy giảm này có thể do tình trạng thiếu xét nghiệm. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Iceland và Phần Lan đều có tỷ lệ tiêm chủng cao, điều đó đã giúp người dân được bảo vệ tốt hơn trước virus.

Tại Đức, vấn đề tiêm chủng vẫn đang gây tranh cãi với tỷ lệ tiêm chủng quá thấp, đặc biệt ở những người lớn tuổi. Tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với mục tiêu của chính phủ, chỉ dưới 76%. Tuần trước, trong một sự kiện vận động bầu cử, Thủ tướng Olaf Scholz đã nỗ lực kêu gọi người dân đi tiêm chủng.


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày