Các nhà lãnh đạo thế giới đã đồng loạt lên tiếng về sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump cấm người Hồi giáo và tị nạn từ 7 quốc gia nhập cảnh vào Mỹ.
Theo CNN, trong khi nhiều nước có phản ứng gay gắt về lệnh cấm, phần lớn các quốc gia đông dân Hồi giáo không có tên trong “danh sách đen” vẫn giữ im lặng.
Australia – nước thực thi các chính sách cứng rắn đối với người tị nạn – là một trong số ít ỏi các quốc gia ủng hộ quyết định của ông Trump.
Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định cuộc chiến chống khủng bố không phải là lý do cấm người tị nạn hoặc người dân từ các nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. (Ảnh: AP)
Các nước trong danh sách cấm
Bộ Ngoại giao Iraq bày tỏ “sự lấy làm tiếc và ngạc nhiên”, nói rằng thật “đáng buồn” khi quyết định được đưa ra bất chấp hai nước đang đạt được chiến thắng trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Yemen cho rằng lệnh cấm là “không hợp lý” và “cổ súy bọn khủng bố, gây chia rẽ trong dân chúng”.
Iran mô tả sắc lệnh của ông Trump là “xúc phạm” và là một “món quà tặng cho những kẻ cực đoan”. Tehran tuyên bố sẽ áp dụng “các biện pháp đối ứng để bảo vệ quyền của người dân nước này…”.
Sudan khẳng định các công dân nước này sống ở Mỹ luôn giữ uy tín, tôn trọng luật pháp Mỹ và không dính đến những hành động tội phạm. Bộ Ngoại giao Sudan kêu gọi Washington đưa nước này khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố.
Đồng minh của Mỹ
Cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Anh Theresa May đều phản đối sắc lệnh của tân Tổng thống Mỹ.
Bà Merkel khẳng định cuộc chiến chống khủng bố không phải là lý do cấm người tị nạn hoặc người dân từ các nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Người phát ngôn của nữ Thủ tướng cho biết, chính phủ Đức lấy làm tiếc với sắc lệnh mà Trump vừa ký.
Một số chính trị gia có ảnh hưởng tại Đức cũng lên tiếng chỉ trích. Điển hình, Chủ tịch đảng Dân chủ xã hội Thomas Oppermann mô tả sắc lệnh của ông Trump là “vô nhân đạo và dại dột”, có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới kinh tế Mỹ.
Thủ tướng Anh Theresa May nói chính sách nhập cư vào Mỹ là vấn đề của chính phủ nước này nhưng bà tuyên bố London không chấp nhận cách tiếp cận của Tổng thống Trump.
Ngoại trưởng Boris Johnson miêu tả lệnh cấm của ông Trump là “sai và gây chia rẽ” trong khi Thị trưởng London Sadiq Khan gọi quyết định của tân Tổng thống Mỹ là “đáng xấu hổ và tàn nhẫn”.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nói việc chào đón người tị nạn là “một nhiệm vụ của đoàn kết”. “Khủng bố không có quốc tịch; phân biệt đối xử không phải là một giải pháp”, ông viết trên Twitter.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố người tị nạn được chào đón ở nước này. “Chúng tôi vui mừng đón nhận nhân tài toàn cầu không được phép trở lại Mỹ” – Phó Thủ tướng Mehmet Simsek viết trên Twitter.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đón nhận người tị nạn. Ông nói rằng những người chạy trốn khỏi nạn đàn áp, khủng bố và chiến tranh được chào đón ở Canada.
Là một trong số ít ỏi nhà lãnh đạo lên tiếng ủng hộ sắc lệnh của Tổng thống Trump, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói: “Điều quan trọng là mỗi nước có thể kiểm soát được những người vượt qua biên giới của mình.
Hôm 29/1, ông Turnbull đã trò chuyện với ông Trump để bàn về “tầm quan trọng của an ninh biên giới và mối đe dọa của nhập cư trái phép”.
Nguồn: vtimes.com.au
© 2024 | Thời báo ĐỨC