Theo đài RT, Giám đốc Ngân hàng BNP Paribas, ông Lutz Diederichs, cho rằng trong trường hợp nguồn cung khí đốt từ Nga bị ngừng hoàn toàn, dự báo nền kinh tế Đức sẽ rơi vào suy thoái và các bên cho vay sẽ được yêu cầu cho các công ty vay nhiều tiền hơn.
Các nhân vật cấp cao trong ngành tài chính lo ngại về công tác bảo trì theo lịch trình tại đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc). Đây là tuyến đường khí đốt quan trọng nối Đức với Nga. Một số quan chức EU cho rằng Nga có thể sẽ không nối lại nguồn cung sau khi bảo trì xong.
Cả hai tuyến của đường ống sẽ tạm dừng hoạt động để sửa chữa hàng năm từ ngày 11 đến ngày 21/7 và việc ngừng hoạt động đã được tất cả các đối tác thống nhất.
Các biện pháp phòng ngừa nói trên mà các ngân hàng Đức thực hiện cho đến nay vẫn thấp hơn so với lượng dự trữ mà họ tích trữ vào thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch COVID-19.
Đức phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng từ Nga và nếu mất hoàn toàn khả năng tiếp cận nguồn cung cấp khí đốt, nền kinh tế của quốc gia này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Giám đốc điều hành Ngân hàng Deutsche Bank, ông Christian Sewing cho biết nếu sự kiện này xảy ra, Đức sẽ suy thoái sâu.
Trong khi đó, Đức chỉ có đủ dự trữ khí đốt trong một hoặc hai tháng trong trường hợp dòng chảy khí đốt từ Nga bị ngưng hoàn toàn.
Ông Klaus Mueller – Giám đốc Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức – trả lời tập đoàn truyền thông Funke: “Nếu như chúng ta không nhận thêm khí đốt từ Nga và trải qua mùa Đông lạnh như mọi khi, lượng khí đốt được dự trữ ngay tại thời điểm này – bao gồm cả lượng khí đốt chuyển cho các quốc gia châu Âu khác như đã cam kết – có lẽ sẽ chỉ còn đủ cho từ 1 đến 2 tháng”.
Trước đó, Bộ Kinh tế Đức ngày 1/7 thông báo các cơ sở dự trữ khí đốt tự nhiên của nước này mới chỉ đầy gần 61%.
Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Robert Habeck cho biết Đức đang tiến hành đàm phán với Canada và Ủy ban châu Âu về cách thức trả lại các bộ phận quan trọng cho đường ống Dòng chảy phương Bắc của Nga.
Tháng trước, nhà cung cấp năng lượng của Nga Gazprom tuyên bố họ buộc phải cắt giảm 60% dòng khí đốt tự nhiên đến Đức qua đường ống Nord Stream, vì các tuabin của Siemens từ trạm bơm Portovaya ở Vyborg bị kẹt ở Montreal, nơi chúng được đưa đi bảo trì. Các bộ phận này thuộc diện bị Canada trừng phạt và Canada cho biết họ không thể trả lại vì sẽ vi phạm các biện pháp trừng phạt. Tình hình đã khiến một số nước EU phải công bố các biện pháp khẩn cấp nhằm giảm sử dụng khí đốt tự nhiên.
Nếu khí đốt Nga bị gián đoạn hơn nữa, Đức sẽ phải ban bố tình trạng khẩn cấp cấp độ 3. Theo đó, chính phủ nước này phải can thiệp trực tiếp vào thị trường khí đốt để đảm bảo nguồn cung cho các khách hàng được bảo vệ, như các hộ gia đình tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và bệnh viện, vốn chiếm 37% lượng tiêu thụ khí đốt. Đức sẽ thiếu hụt khoảng 10% lượng khí đốt nếu Nga ngừng cung cấp hoàn toàn.
Một phân tích từ Capital Economics cho rằng gánh nặng sẽ đè lên vai các công ty sử dụng nhiều năng lượng và khí đốt nhất, chủ yếu trong lĩnh vực hóa chất, kim loại cơ bản, sản phẩm kim loại tinh chế và thủy tinh. Capital Economics dự đoán điều đó sẽ làm giảm sản lượng sản xuất của Đức khoảng 5% và làm giảm GDP khoảng 1%.
Ông George Saravelos, trưởng bộ phận nghiên cứu FX toàn cầu của ngân hàng Deutsche, cho biết: “Chúng tôi ngày càng lo ngại về tình hình năng lượng đang diễn ra ở Đức”.
Các công ty của Đức đã và đang cảm nhận được khó khăn. Giá cổ phiếu của công ty Uniper đã giảm 18% vào giữa tuần trước sau khi cắt giảm dự báo lợi nhuận và cho biết họ đang đàm phán với chính phủ về một gói cứu trợ.
Nguồn: baotintuc.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC