Các hãng xe Đức chìm trong bê bối khí thải

Bê bối gian lận khí thải tại Đức chưa có hồi kết khi nhà chức trách điều tra lãnh đạo Audi và yêu cầu Daimler triệu hồi xe.

Theo NewYorkTimes, ngành công nghiệp ôtô Đức đang hứng chịu những nghi ngờ liên quan đến ô nhiễm của động cơ diesel, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các hãng xe. Sự việc như bùng nổ thêm khi một quản lý cấp cao của Volkswagen (VW) bị điều tra, cùng thời điểm đó cơ quan chức năng tại Berlin yêu cầu Daimler triệu hồi hàng trăm nghìn xe dùng phần mềm gian lận khí thải. 

132 1 Cac Hang Xe Duc Chim Trong Be Boi Khi Thai

Một số dòng xe của Mercedes dùng động cơ diesel bị cáo buộc sử dụng phần mềm gian lận khí thải.

Tin xấu liên tiếp với ngành công nghiệp ôtô Đức

Chính quyền Đức đã mở cuộc điều tra về nghi ngờ gian lận đối với Rupert Stadler, quản lý cấp cao của tập đoàn VW, người đứng đầu thương hiệu xe sang Audi. Sự việc diễn ra khoảng gần 3 năm sau bê bối gian lận khí thải của tập VW.

Nhà của Stadler đã bị cảnh sát khám xét hôm 11/6 để thu thập thêm chứng cứ. Đây là thành viên đầu tiên trong ban quản trị của VW bị điều tra liên quan đến vụ gian lận khí thải. Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ mở rộng điều tra các quản lý và kỹ sư của tập đoàn này, kể cả những người đã nghỉ việc. 

Ngay sau đó 1 ngày, Bộ Giao thông vận tải Đức đã đưa ra yêu cầu Daimler triệu hồi 774.000 phương tiện tại châu Âu do sử dụng phần mềm không hợp lệ, nhằm làm giả kết quả thử nghiệm khí thải đối với xe dùng động cơ diesel. 

Bộ trưởng Andreas Scheuer cho biết chính phủ Đức yêu cầu Dailmer thực hiện chiến dịch triệu hồi, sau buổi làm việc với ông Dieter Zetche, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn. 

Mặc dù không có liên quan trực tiếp đến nhau, nhưng hai sự việc diễn ra gần như cùng một lúc khiến ngành công nghiệp ôtô Đức chưa thể thoát khỏi bê bối gian lận khí thải từ tháng 9/2015. Thời điểm đó, Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ đã công bố việc VW sử dụng phần mềm gian lận khí thải đối với xe dùng động cơ diesel. 

Niềm tin bị lung lay với động cơ diesel

132 2 Cac Hang Xe Duc Chim Trong Be Boi Khi Thai

Xe dùng động cơ diesel bị cấm tại một số tuyến đường chính của Hamburg, Đức.

Ngành công nghiệp ôtô là lĩnh vực xuất khẩu chính của Đức, mang về nhiều lợi nhuận từ các thị trường như Trung Quốc, Mỹ và một số thị trường khác, nhờ danh tiếng lâu đời. Tuy nhiên, uy tín của ngành công nghiệp này đang bị suy giảm trong thời gian gần đây. 

Ngay tại thành phố Hamburg, Đức, nhà chức trách đã ra lệnh cấm đối với những ôtô dùng động cơ diesel ở khu vực có mật độ giao thông cao, bởi những vấn đề liên quan đến sức khoẻ. Nhiều thành phố khác tại quốc gia này như Aachen cũng đang lên kế hoạch áp dụng luật cấm tương tự. Những chính sách không có lợi khiến xe dùng động cơ diesel tụt giảm doanh số mạnh. Các nhà sản xuất đang phải tích cực nghiên cứu những công nghệ để động cơ diesel sạch hơn, thân thiện môi trường hơn. 

Daimler từng chia sẻ về việc bị điều tra bởi một cơ quan tư pháp và cơ quan chức trách khác của Mỹ do nghi ngờ gian lận khí thải. Ngoài ra, tập đoàn này còn bị một cơ quan của liên minh châu Âu nghi ngờ về việc sử dụng thiết bị làm giả chỉ số ô nhiễm của động cơ. 

Chương trình triệu hồi được nhà chức trách Đức thông báo tuần trước đối với các dòng xe GLC, Vito và C Class sẽ khiến công ty này tổn thất thêm nhiều chi phí. Tuy nhiên, Daimler cho biết những nghi vấn sẽ được làm sáng tỏ, bởi tập đoàn từ chối việc sử dụng phần mềm làm giả chỉ số khí thải. 

Trong khi đó, bê bối gian lận khí thải của động cơ diesel khiến VW tổn thất hàng chục tỷ USD và một số lãnh đạo cao cấp của tập đoàn rơi vào vòng lao lý. Mặc dù vậy, tập đoàn xe hơi Đức chỉ thay thế một số vị trí lãnh đạo cao cấp, trong khi phần mềm không hợp pháp vẫn được giữ lại sử dụng.

Đến lượt Audi bị điều tra

Cuộc điều tra nhắm đến ông Stadler đồng thời đe doạ công ty ôtô có lợi nhuận cao nhất tập đoàn VW là Audi. Doanh số Audi chiếm 14% xe của VW bán trong quý 1 năm nay, nhưng chiếm đến 28% lợi nhuận vận hành. 

Ông Stadler chối bỏ mọi cáo buộc, trong khi những cổ đông đối lập yêu cầu ông từ chức. Dù có những chứng cứ rõ ràng cho việc sử dụng phần mềm không hợp lệ để làm giả mức khí thải, nhưng chưa có thông tin từ Audi hay VW về việc ông này sẽ từ chức hoặc bị hạ hệ.

VW thừa nhận phần mềm làm giả dữ liệu phát thải của động cơ diesel được phát triển bởi Audi, nơi ông Stadler làm việc từ năm 2007. Các dòng xe Audi dùng động cơ diesel nằm trong số 11 triệu xe sử dụng phần mềm gian lận khí thải kể trên. 

Các điều tra viên đã tiến hành vài cuộc khám xét văn phòng của Audi và nhà riêng của những người có liên quan trong vài tháng gần đây. Thậm chí, những thành viên cũ của ban điều hành cũng nằm trong diện tình nghi, mặc dù vậy họ không đề cập đến ông Stadler cho đến hôm thứ 2. Nhà chức trách cho biết ông Stadler bị tình nghi có liên quan đến việc bán xe Audi sử dụng phần mềm gian lận khí thải tại châu Âu, cũng như quảng cáo sai sự thật. 

Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng tiến hành điều tra đối với lãnh đạo cấp cao khác của Audi. Danh tính của lãnh đạo này chưa được tiết lộ do đang trong quá trình điều tra. Nhưng theo kinh nghiệm của 2 điều tra viên lâu năm, chia sẻ trên tờ Bild của Đức, người bị tình nghi có thể là Bernd Martens, người đứng đầu phòng mua của Audi. 

Hãng xe Audi cho biết họ hoàn toàn hợp tác với cơ quan điều tra, nhưng không đưa ra bình luận gì hơn. Trong khi đó, phía VW cũng giữ động thái tương tự, không đưa ra bình luận về vụ việc. 

Đợi chờ những cuộc cải tổ

Chỉ vài ngày sau khi gian lận khí thải của VW được phơi bày hồi tháng 9/2015, Martin Winterkorn đã từ chức Giám đốc điều hành của công ty. Tuy nhiên, tháng trước, cơ quan tư pháp đã buộc tội nguyên lãnh đạo của VW có liên quan đến vụ bê bối khí thải. 

Mặc dù ông Winterkorn đã từ chức, nhưng VW vẫn giữ lại nhiều cán bộ chủ chốt, trong đó có Stadler. Tập đoàn ôtô này cho biết những hành động sai trái pháp luật chỉ giới hạn trong một nhóm kỹ sư nhỏ, nhưng vẫn chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm. 

Người thay thế ông Winterkorn nắm giữ trọng trách lèo lái công ty trong giai đoạn sau là Matthias Muller, cũng có thời gian làm việc dưới quyền Stadler tại Audi. Trước những áp lực phải đối mặt, ông Muller cũng đã từ chức hồi tháng 4. 

Herbert Diess, người đứng đầu VW lúc này, nguyên là lãnh đạo của BMW, chỉ mới gia nhập tập đoàn vài tháng trước khi vụ bê bối khí thải được công bố. Diess có thể coi là ngoại đạo với gian lận khí thải của VW, nhưng còn quá sớm để đánh giá liệu ông có thể đưa tập đoàn thoát khỏi cơn khủng hoảng liên quan đến khí thải thành công hơn so với người tiền nhiệm hay không.

Theo Phương Linh / vnexpress.net


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày