Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht. Ảnh: AFP/DPA
Trong đơn từ chức, Bộ trưởng Lambrecht cho biết trong nhiều tháng qua, các phương tiện truyền thông đã gây áp lực lớn đối với cá nhân bà, làm ảnh hưởng đến quá trình thảo luận các chính sách an ninh cũng như hoạt động của quân đội.
Theo Bộ trưởng Lambrecht, công việc của lực lượng vũ trang phải được đặt lên hàng đầu, do đó, bà quyết định từ chức. Bà bày tỏ "cảm ơn tất cả những người đang hằng ngày hằng giờ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho đất nước".
Bà Lambrecht, 57 tuổi, nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng từ khi chính phủ liên minh "đèn giao thông" (gồm đảng Dân chủ xã hội SPD, đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do FDP) được thành lập tại Đức cuối năm 2021. Trước đây, bà từng giữ chức Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Gia đình trong nội các của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Thời gian qua, Bộ trưởng Lambrecht phải đối mặt với nhiều chỉ trích về việc chậm trễ trong quá trình mua sắm vũ khí và trang thiết bị cho quân đội Đức. Nhiều ý kiến cho rằng bà không đủ năng lực chuyên môn để lãnh đạo quân đội. Liên đảng Dân chủ cơ đốc giáo/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) đã yêu cầu bà từ chức.
Bà Lambrecht là bộ trưởng thứ hai từ chức kể từ khi chính phủ "đèn giao thông" được thành lập tại Đức. Trước đó, hồi tháng 4/2022, Bộ trưởng Gia đình Anne Spiegel cũng đã từ chức do phải đối mặt với áp lực lớn liên quan đến giai đoạn bà giữ chức Bộ trưởng Môi trường bang Rheinland-Pfalz.
Trong bối cảnh xung đột tại Ukraine, Bộ Quốc phòng Đức đã trở thành tâm điểm chú ý suốt thời gian qua.
Sau khi xung đột bùng nổ, Chính phủ Đức đã quyết định chi 100 tỷ euro để hiện đại hóa quân đội nước này, đồng thời tăng mức chi tiêu cho lĩnh vực quốc phòng lên 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ năm 2024. Hiện tại, chương trình hiện đại hóa quân đội Đức đang được gấp rút triển khai.
© 2024 | Thời báo ĐỨC