Bế tắc chính trị Đức có thể giúp củng cố Liên minh châu Âu?

Chuyên gia Foreign Affairs cho rằng, bế tắc chính trị có thể khiến Đức phải tổ chức lại bầu cử quốc hội, điều này sẽ đưa nước Đức trở lại với liên minh cầm quyền truyền thống, kéo theo đó là sự ổn định và vững mạnh của EU.

Bế tắc chính trị Đức có thể giúp củng cố Liên minh châu Âu? - 0

Thủ tướng Đức Merkel. Infonet

Theo chuyên gia David-Wilp Court nhận định trên Foreign Affairs, Bế tắc chính trị ở Đức và khả năng phải tổ chức lại bầu cử Quốc hội là điều gì đó không giống với truyền thống nước Đức. Tuy nhiên, điều này sẽ không dẫn đến khủng hoảng chính trị nếu như các đảng phái chính trị tìm được thỏa hiệp phân chia lại lực lượng và khi đó, Liên minh châu Âu (EU) sẽ được củng cố.

Theo đó, Đức cần phải có sự “khởi động lại” để đoàn kết hệ thống chính trị đã bị phân mảnh của mình. Việc tổ chức lại bầu cử Quốc hội có thể sẽ mở ra thời đại của sự lãnh đạo chính trị mới, đồng thời tạo điều kiện cho các đảng phái chính trị Đức giành lại phiếu bầu của các cử tri vốn ủng hộ mình và giảm số phiếu dành cho lực lượng cực hữu.

Theo Foreign Affairs, sau khi đàm phán thành lập chính phủ liên minh ở Đức thất bại và ngày càng có nhiều ý kiến đòi tổ chức lại bầu cử quốc hội, Đức - nền kinh tế lớn nhất EU và là trung tâm của sự ổn định trong EU, đã trượt dần đến một tương lai đầy phức tạp.

Còn giới lãnh đạo Đức sẽ phải đương đầu với một loạt các vấn đề khó khăn, trong đó có cuộc khủng hoảng nhập cư, tái cấu trúc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và vấn đề Brexit.

Quyết định của đảng Dân chủ-Tự do Đức (FDP) rút khỏi các cuộc đàm phán về thành lập chính phủ liên hợp với liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Xanh rõ ràng sẽ dẫn đến sự mất ổn định trong nội bộ EU. Do đó, để tránh điều này, Đức cần phải có một chính phủ mạnh.

Nếu như tổ chức cuộc thăm dò dư luận xã hội vào thời điểm hiện tại thì ít nhất đảng cực hữu “Sự thay thế cho nước Đức” (AfD) có thể vẫn củng cố được vị thế của mình khi cáo buộc các đảng khác không đủ khả năng đàm phán để thành lập chính phủ.

Tuy nhiên mặt khác, các cử tri cũng có thể nhận thức được rằng họ có thể có cơ hội thể hiện sự phản đối của mình đối với AfD khi quay trở lại bỏ phiếu cho liên minh CDU/CSU hoặc FDP. Việc Chủ tịch FDP Christian Lindner đưa ra những khẳng định hùng hồn về sự cần thiết phải siết chặt chính sách nhập cư có thể dẫn đến việc AfD mất đi một phần cử tri ủng hộ mình.

FDP cũng có thể củng cố được vị thế của mình với tư cách là đảng phái dựa trên các nguyên tắc riêng chứ không phải là đảng tìm kiếm “sự tiện lợi về chính trị”.

Bối cảnh chính trị hiện tại ở Đức cho thấy nước này có thể phải giải quyết vấn đề về sự cần thiết phải có giới lãnh đạo chính trị mới. Khi đó, ông Christian Lindner có thể sẽ giữ được vị thế của mình trong thời gian khá dài, còn đảng Xanh và liên minh CDU/CSU với đảng Dân chủ-Xã hội Đức cuối cùng cũng sẽ có một lãnh đạo mới để đưa họ tiến về phía trước. Thậm chí Thủ tướng đương nhiệm Đức A.Merkel sẽ phải tính đến chiến lược rút lui trong thời điểm bà vẫn được cử tri ủng hộ.

Đức Dũng (Infonet, lược dịch)


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày