Trái ngược với không khí sục sôi tại các cuộc bầu cử tại Mỹ và Pháp vài tháng trước, cuộc Tổng tuyển cử Liên bang tại Đức diễn ra trong không khí khá bình lặng.
Trên trang nhất các tờ báo lớn tại thủ đô Berlin như Nhật báo Berlin (Berliner Zeitung), Bưu điện Berlin buổi sáng (Berliner Morgenpost) hay tờ “Nhật báo tấm gương” (Tagesspiegel), cuộc Tổng tuyển cử liên bang tại Đức tuy hiện diện nhưng không chiếm toàn bộ không gian mà nhường chỗ cho nhiều tin tức dân sinh khác.
Do mọi dự báo đều cho rằng bà Merkel sẽ tiếp tục làm Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp nên các phân tích về bầu cử trên các báo Đức tập trung chủ yếu vào 2 chủ đề chính là các khó khăn mà đảng CDU và bà Merkel có thể phải đương đầu trong việc thành lập Liên minh sau bầu cử.
Ngoài ra, các dự báo về số lượng ghế mà đảng cực hữu “Con đường khác cho nước Đức” – AfD cũng được nhắc đến nhiều.
Bên cạnh đó, các báo cũng giải thích khá cặn kẽ về quy trình tiến hành bầu cử vào Quốc hội Liên bang Đức bởi Luật bầu cử Đức tương đối phức tạp trên khía cạnh này.
Theo đó, sẽ có ít nhất 598 nghị sĩ sẽ được bầu vào Quốc hội Liên bang Đức nhưng con số này có thể cao hơn bởi tại Đức, cử tri khi đi bầu thì thực tế sẽ bỏ phiếu 2 lần, lá phiếu đầu tiên là cho vị dân biểu ở đơn vị bầu cử của mình và lá phiếu thứ hai là bầu theo danh sách tranh cử của các Đảng tại mỗi bang.
299 nghị sĩ Liên bang sẽ được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu đơn danh, tức ai có số phiếu cao nhất tại đơn vị bầu cử của mình ngay sau vòng 1 sẽ được bầu. Một nửa còn lại sẽ bầu theo danh sách tranh cử của các đảng và khi đó số lượng nghị sĩ được bầu sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ phiếu mà đảng đó giành được tại bang.
Hình ảnh bầu cử Đức năm 2009. Ảnh: Atlantic
Về tổng thể, cho đến thời điểm này khi việc tranh cử đã kết thúc, có thể nói cuộc tổng tuyển cử Liên bang tại Đức đã diễn ra trong không khí khá bình yên. Thứ nhất, là do sự vượt trội của đảng CDU-CSU khiến cho sự cạnh tranh của các đảng khác, nhất là từ phía SPD, trở nên mờ nhạt.
Nữ Thủ tướng Đức, Angela Merkel thậm chí không cần tổ chức các cuộc tranh cử thực sự quy mô do đã nắm chắc khả năng chiến thắng trong tay.
Nguyên nhân thứ hai, đáng chú ý hơn, đó là cuộc bầu cử tại Đức hầu như không chịu tác động bởi các tin tức giả mạo hay các chiến dịch truyền thông bẩn.
Các nghiên cứu cho thấy dân chúng Đức hầu như không quan tâm đến các “tin giả” và tần suất xuất hiện của các tin này trên các mạng xã hội cũng rất hạn chế. Điều này trái ngược với cuộc bầu cử Tổng thống tại Pháp cách đây 5 tháng và đặc biệt là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm 2016./.
Theo Quang Dũng (VOV-Paris) / vov.vn
Đưa tin từ Berlin
© 2024 | Thời báo ĐỨC