Bầu cử Đức 2017: Tranh luận trực tiếp trên truyền hình - cơ hội cuối cùng của hai ứng cử viên

Tối 3/9, hai ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua tranh chức Thủ tướng Đức là bà Angela Merkel của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và ông Martin Schulz của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) sẽ tham gia cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình.

Sự kiện quan trọng này đã thu hút sự quan tâm của dư luận và giới truyền thông không chỉ của Đức mà còn của toàn thế giới bởi kết quả cuộc tranh luận sẽ tác động không nhỏ tới lá phiếu của các cử tri Đức, đặc biệt là những người hiện chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho đảng nào.

Đây cũng được xem là cơ hội cuối cùng để ứng cử viên Martin Schulz thu hút thêm sự ủng hộ, qua đó giúp SPD rút ngắn khoảng cách trong bối cảnh kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều nghiêng về phía bà Merkel và liên đảng CDU/CSU.

Dự kiến tại cuộc tranh luận trực tiếp kéo dài 90 phút này, ông Martin Schulz sẽ tìm mọi cách công kích nhằm hạ uy tín của bà Merkel trước các cử tri.

Cụ thể, ứng cử viên đảng SPD có thể chất vấn Thủ tướng Merkel một số vấn đề chính hiện nay như cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư, căng thẳng ngoại giao giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, chính sách an ninh quốc phòng và đặc biệt là chỉ trích bà Merkel lạm dụng các phương tiện công phục vụ hoạt động của chính phủ vào mục đích tranh cử như sử dụng trực thăng của cảnh sát và quân đội với chi phí mang tính "ước lệ".

Bầu cử Đức 2017: Tranh luận trực tiếp trên truyền hình - cơ hội cuối cùng của hai ứng cử viên - 0

Foto: Thủ tướng Đức bà Angela Merkel của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và ông Martin Schulz của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoài ra, để có thể rút ngắn khoảng cách với Thủ tướng Merkel và liên đảng CDU/CSU, ông Schulz sẽ tập trung vào cương lĩnh tranh cử của mình là công bằng xã hội, trong đó có chính sách tăng thuế thu nhập cao từ 42% lên 45%, đảm bảo quyền hợp pháp đối với trẻ em ở độ tuổi tiểu học, nâng cao mức tiền hỗ trợ trẻ em đối với gia đình thu nhập thấp... để tranh thủ tìm kiếm sự ủng hộ của khoảng 46% số cử tri, những người cho đến thời điểm này vẫn chưa quyết định sẽ dành lá phiếu cho đảng nào.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định ông Martin Schulz sẽ khó có thể lật ngược được thế cờ trong bối cảnh đương kim Thủ tướng Merkel và liên đảng CDU/CSU đang nhận được sự tín nhiệm cao.

Các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, thặng dư ngân sách, thương mại và giải quyết việc làm... của Đức hiện nay đều ở mức tốt hơn so với kỳ vọng. Thêm vào đó, dường như những vấn đề mà ông Schulz dự kiến đưa ra trong cuộc tranh luận trực tiếp lần này đều đã được Thủ tướng Merkel "hóa giải" trước đó với những tuyên bố được dư luận đánh giá cao.

Do đó, với những đánh giá tích cực về khả năng điều hành đất nước, đương kim Thủ tướng vẫn được coi là ứng cử viên sáng giá nhất và gần như nắm chắc trong tay nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư liên tiếp .

Thủ tướng Angela Merkel đã lên tiếng bảo vệ chính sách mở cửa chào đón người tị nạn mà chính phủ của bà theo đuổi trong những năm qua. Bà khẳng định không hối tiếc trước quyết định của mình, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng bà đã phạm sai lầm về chính sách này, dù việc 1 triệu người tị nạn từ Syria và Iraq tới Đức trong 2 năm qua đã gây ra những rạn nứt trong liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và khiến uy tín của bà giảm sút mạnh.

Về chính sách quốc phòng, nhà lãnh đạo Đức cũng khẳng định kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng của Berlin sẽ không làm giảm bớt phúc lợi của nước này, đồng thời bác bỏ chỉ trích của SPD rằng bà đang nhượng bộ trước yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng của Mỹ. Ngoài ra, Thủ tướng Merkel cũng thể hiện rõ vai trò lãnh đạo cứng rắn trong các chính sách đối nội và đối ngoại của mình.

Theo các kết quả thăm dò mới nhất do Viện nghiên cứu Forsa và Deutschlandtrend thực hiện, một nửa số cử tri Đức cho biết họ rất quan tâm và sẽ theo dõi cuộc tranh luận.

Có tới 2/3 số cử tri tin tưởng vào chiến thắng của Thủ tướng Merkel trong khi chỉ có 17% số cử tri cho rằng ông Schulz giành được lợi thế trước đối thủ.

Và đặc biệt ngay cả những cử tri ủng hộ các đảng tham gia tranh cử cũng đều phải thừa nhận rằng bà Merkel cùng liên đảng CDU/CSU đang có nhiều lợi thế khi cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội Liên bang Đức đang bước vào giai đoạn nước rút.

Trước đó, kết quả thăm dò mới nhất, do Tổ chức Research Group Elections tiến hành, công bố ngày 1/9 cho thấy, CDU/CSU vẫn nhận được 39% số phiếu ủng hộ, bỏ xa SPD khi đảng này chỉ nhận được 22% tỷ lệ ủng hộ.

Cuộc thăm dò cũng chỉ ra rằng Thủ tướng Merkel hiện vẫn tiếp tục dẫn đầu so với các ứng cử viên tham gia tranh cử.

Trong khi đó, ông Schulz đã tụt xuống vị trí thứ 7, sau cả Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble của đảng CDU và Ngoại trưởng Sigmar Gabrien của đảng SPD. Một nửa số cử tri được hỏi cho biết họ sẽ bỏ phiếu bầu trực tiếp cho bà Merkel nếu được phép, trong chỉ chỉ có 1/4 cử tri trả lời sẽ bỏ phiếu cho ông Schulz.

Tuy nhiên, theo hệ thống bầu cử phức tạp của Đức, cử tri bỏ phiếu bầu cho các đảng chứ không bầu trực tiếp thủ tướng. Người giữ chức thủ tướng thường là ứng cử viên hàng đầu của đảng giành được nhiều phiếu nhất và phải được sự phê chuẩn của Quốc hội Liên bang thông qua một cuộc bỏ phiếu kín.

Dự kiến chương trình truyền hình trực tiếp buổi tranh luận sẽ bắt đầu vào lúc 20 giờ 15 phút ngày 3/9 (theo giờ địa phương, 1 giờ 15 phút ngày 4/9 theo giờ Hà Nội) với những yêu cầu chặt chẽ về thời gian.

Hai kênh truyền hình đại chúng ARD và ZDF và 2 kênh truyền hình trả tiền RTL và SAT.1 sẽ cùng tham gia tổ chức buổi tranh luận trực tiếp này.

 

Tin Tức/TTXVN


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày