Báo động nạn bạo lực học đường ở Đức

Tại Đức có những trung tâm tạm giam dành riêng cho trẻ vị thành niên, lấy tiền đề là “giáo dục chứ không xử phạt”, là một “dụng cụ giáo dục” dành cho trẻ vị thành niên phạm tội nhẹ.

Đầu tháng 3 vừa qua, vụ việc một học sinh tiểu học mới 7 tuổi dùng dao đâm vào bụng cô giáo ngay giữa hành lang của trường học tại thành phố Nimburg thuộc bang Baden- Württemberg đã khiến dư luận xôn xao và gây tranh cãi từ nhiều phía. Các báo Đức đăng tải, chuyên gia tâm lý phân tích và lên sóng chương trình “stern TV”.

Học sinh tiểu học 7 tuổi đã có tính cách hung dữ?

Trả lời phỏng vấn của phóng viên truyền hình “stern TV”, cô giáo tên Christine Bauer (54 tuổi, dạy môn tiếng Đức) cho biết, học sinh đã dùng một con dao nhỏ lấy từ phòng bếp của trường đâm vào bụng cô. “Tôi nhìn thấy con dao cắm vào bụng mình, còn thằng bé kia bỏ chạy. Rồi tôi ngã xuống đất và vô cùng hoảng sợ. Tôi đã tưởng mình sẽ mãi nằm đó, không ai hay biết và đến cứu giúp.”

May mắn là một đội ngũ học sinh đi qua thấy cô giáo ngất xỉu đã gọi cấp cứu. Cảnh sát đã thông báo với gia đình của học sinh và xác nhận, cô giáo “chỉ bị thương nhẹ”, đồng thời đây không phải hành động tấn công có chủ ý. Tuy nhiên, cô Bauer đã được đưa vào viện phẫu thuật, từ đó đến nay phải nghỉ dạy, luôn bị sợ hãi và lo lắng.

132 1 Bao Dong Nan Bao Luc Hoc Duong O Duc

Theo cô Bauer, học sinh này hay có những biểu hiện hung dữ, đã nhiều lần bị nhắc nhở và kiểm điểm vì thường xuyên gây hấn không chỉ với thầy cô giáo, mà với cả các bạn học. Cuối tháng 1-2018, một cô giáo dạy tại trường đã từng gửi thư tới Sở giáo dục Freiburg nhờ can thiệp với nội dung: “… ngày nào cũng xảy ra sự cố với học sinh này (cắn và đánh thầy cô với bạn học, lấy thước kẻ vụt vào đầu bạn, quăng ghế …), bởi vậy cô giáo đó không thể tự vệ và bảo đảm an toàn được cho học sinh của mình.

Dồn dập nhiều vụ bạo lực học đường độ tuổi thanh thiếu niên

Không riêng vụ việc kể trên, chỉ tính trong thời gian khoảng nửa năm nay, đã xảy ra vô số vụ án cố ý gây thương tích, thậm chí sát hại lẫn nhau giữa các em học sinh độ tuổi 14-15. Như vào tháng 12-2017, tại thành phố Kandel thuộc vùng Rheinland-Pfalz, một thanh niên độ 15-17 tuổi, là di dân người Afghanistan, đã đâm chết bạn gái cũ mới 15 tuổi trong một cửa hàng tạp hoá. Hung thủ sử dụng một con dao bình thường, không kháng cự khi bị bắt.

Ngay sau đó, vào tháng 1-2018 tại thành phố Lünen nằm ở Tây Westfalen, một học sinh 15 tuổi cũng đã dùng dao đâm một học sinh khác mới 14 tuổi. Trong buổi nói chuyện với chuyên viên xã hội tại trường, nghi phạm chưa đến tuổi vị thành niên đã khai rằng, chỉ bởi thấy bạn kia “nhìn đểu” mình nên mới hành động như vậy! Tháng 2-2018 tại Dortmund: Bạn bè cãi nhau dẫn đến xô xát. Một thiếu nữ 15 tuổi là nạn nhân bị đâm chết trên tầng ga-ra để xe. Giữa tháng 3-2018: Một thiếu niên người Đức, 15 tuổi, đến nhà cô bạn học 14 tuổi, rồi không biết vì cớ sự gì mà đâm chết cô bé bằng nhiều nhát dao. Điều tra cho thấy, hai thiếu niên này không phải một cặp yêu đương, chỉ là bạn bè thông thường.

Nỗi lo sợ của nhiều giáo viên

Vào cuối tháng 2 vừa qua, tại trường tiểu học Aue-Fallstein ở quận Hessen thuộc thành phố Osterwieck (bang Sachsen-Anhalt), các thầy cô giáo đã gửi chung một “tâm thư” tới toàn bộ cha mẹ của tổng cộng 153 học sinh nam và nữ. Nội dung bức thư nói về vấn nạn bạo lực học đường giữa học sinh với học sinh, những hành vi bất kính và hỗn láo của học sinh đối với thầy cô giáo cũng như sự coi thường mọi nội qui trong trường – của chính những em học sinh tại đó. Các thầy cô giáo thuật lại biết bao vụ bạo hành quá khích, xô xát, đánh chửi nhau giữa đội ngũ học sinh cả trong giờ học và giờ nghỉ giải lao, cả trên xe buýt từ trường về nhà.

Nhiều em không hề biết và tuân thủ những phép lịch sự hay kỹ năng giao tiếp tối thiểu, không biết giữ trật tự, không đủ kiên nhẫn ngồi yên trong giờ học, mà thường xuyên quậy phá, xông vào đánh bạn, tự ý rời khỏi tiết học, cố tình không vào lớp mà trốn trong sân trường để thầy cô giáo phải bỏ tiết để đi

tìm. Bản thân nhiều bậc làm cha mẹ khi được nhà trường thông báo đã không đến đón con mình, không gặp thầy cô nói chuyện, mà nhờ người khác đến thay, hoặc cuối giờ trường phải để trẻ tự đi xe buýt về.

Không những vậy, các thầy cô rất lo sợ khi nhận thấy những học sinh tiểu học này còn thể hiện một “sự vô cảm” đối với bạn bè. Khi cãi cọ nhau rồi hành hung, chúng hả hê vui mừng khi đánh bạn “thua”, bị chảy máu, tổn thương cơ thể.

Cũng trong bức thư đó, nhà trường thông báo để khắc phục tình trạng này sẽ phải nhờ đến sự giúp đỡ của cảnh sát và nhân viên cứu hộ, đồng thời sẽ buộc học sinh nghỉ học ít nhất 5 ngày nếu còn tái phạm. Nhà trường khuyến cáo rằng, cha mẹ nên nói chuyện với con mình và tìm biện pháp xử lý, bởi các thầy cô cũng không thể trông nom hay đặc biệt bỏ tiết dạy để đi tìm khi chúng trốn khỏi trường. Aue-Fallstein vốn là một ngôi trường tiểu học có tiếng tăm tốt và hiện đại, đầy đủ tiện nghi, có sân chơi rộng lớn, có thư viện riêng trong trường, phòng máy tính và các phòng học riêng cho môn thủ công, âm nhạc cũng như phòng thể thao. Hàng ngày, nhà trường có cả thực đơn các món ăn nóng cho bữa trưa. Thế nhưng, đội ngũ thầy cô giáo thì luôn phải cảnh giác với mọi tình huống, họ cảm thấy bất lực vì không phải đến trường để dạy học, mà giống như đang làm cai ngục.

Chủ tịch Hiệp hội giáo viên của Đức, ông Heinz-Peter Meidinger trả lời trên báo Welt: “Đúng vậy. Những câu hăm dọa, phân biệt chủng tộc và bài xích những người không cùng tín ngưỡng cũng như hành vi xâm hại cơ thể hiện nay đã và đang trở thành “chuyện thường ngày” tại rất nhiều trường học của Đức – kể cả các trường tiểu học cũng không là chuyện lạ nữa.” Ông cũng cảnh báo nhà nước nên có những biện pháp can thiệp nhiều hơn, cũng như các bậc cha mẹ nên quan tâm hơn đến con cái, bởi trên những trang mạng xã hội, người ta thường xuyên phát tán vô vàn hình ảnh về bạo lực, chửi bới, đánh đập lẫn nhau. Nhưng để trẻ em mang theo vũ khí, bình xịt cay với lý do tự vệ thì không thể coi là “bình thường” được.

Theo những thống kê về tội phạm hình sự của sở công an các tiểu bang cho thấy, ba điểm Nordrhein-Westfalen, Bayern và Berlin là những nơi mà nạn bạo lực học đường tăng cao trong vòng hai năm từ 2015 đến 2017. Nhà trường và các thầy cô giáo ngày càng thấy sợ hãi và lo lắng nhiều hơn, đó cũng là kết quả của một khảo sát “forsa” do Hiệp hội giáo dục và đào tạo (Verband für Bildung und Erziehung) thực hiện năm 2016. Theo đó, những thầy cô được hỏi đều nói rằng, không những họ được chứng kiến (55%), mà bản thân họ (25%) từng bị học sinh chửi, hăm dọa, sỉ nhục, quấy rối và “khủng bố”.

Vai trò của gia đình và nhà trường

Hành vi bạo lực ở lứa tuổi học sinh không phải do chính các em tự “nghĩ ra”, mà có thể nói đó cũng là một lời “kêu cứu” đối với các bậc làm cha mẹ và thầy cô. Trẻ em không học từ những lời dạy bảo phải trái, từ lý thuyết suông, mà chúng chỉ nhìn vào những hành động của người lớn và bắt chước, những tấm gương đó đến từ gia đình, từ cha mẹ và thầy cô giáo. Hãy đối xử với trẻ ngay từ bé bằng tình yêu thương, bằng sự ủng hộ và khích lệ. Hãy dạy trẻ cách đặt mình vào vị trí của người khác để cảm nhận thế nào là đau, là buồn, là vui mừng, là hạnh phúc. Hãy theo sát con cái để biết chúng đang trải qua những gì, có những bạn bè nào, học hành ra sao … Thể thao cũng là một phương cách tốt nhằm kiểm soát những cảm xúc cực đoan như tức giận hay căm hận, nhất là khi trẻ bước vào độ tuổi dậy thì, dễ vui buồn, nóng giận thất thường. Cha mẹ cũng có thể cho con tham gia một môn thể thao đồng đội để học hiểu về sự đoàn kết và phấn đấu vì tập thể.

Hai đề tài quan trọng cần cha mẹ và con cái nên thảo luận cởi mở và bao dung ở nhiều gia đình người Việt cũng như các gia đình di dân khác là (i) vấn đề bình đẳng nam nữ và vai trò giới tính cũng như (ii) tôn giáo và tín ngưỡng. Hãy khuyến khích con trai học nấu ăn, giúp đỡ các việc trong nhà, hay con gái có thể học các nghề về cơ khí, kỹ thuật, ngày nay cũng đã là chuyện rất bình thường. Mỗi tín ngưỡng đều chỉ là một trợ giúp về tinh thần, chứ hoàn toàn không có đạo này hơn đạo kia, người này hơn người kia.

Hãy dành nhiều thời gian cho nhau, giúp đỡ, quan tâm lẫn nhau, để con cái hiểu rằng trong cuộc sống cần có người thân, bạn bè, còn trẻ thì học tập và lớn lên thì đóng góp xã hội bằng sức lao động của mình. Các bậc cha mẹ hãy sống tích cực hơn, nhưng cũng nên chỉ cho con thấy bất cứ làm việc gì tốt hay xấu đều có hậu quả của nó.

Những hình thức xử phạt theo luật pháp Đức

Tại Đức có những trung tâm tạm giam dành riêng cho trẻ vị thành niên, lấy tiền đề là “giáo dục chứ không xử phạt”, là một “dụng cụ giáo dục” dành cho trẻ vị thành niên phạm tội nhẹ, chưa ở mức bị xử phạt tù theo luật tố tụng hình sự độ tuổi thanh thiếu niên (14 đến 17 tuổi và 18 đến 20 tuổi) (chiểu theo điều 13 đoạn 2 số 3 Bộ luật tố tụng hình sự độ tuổi vị thành niên, tiếng Đức là Jugendgerichtsgesetz, viết tắt là JGG).

Trẻ sẽ phải vào đó để bình tâm suy nghĩ lại về những hành vi của mình. Mức phạt cao nhất ở đây là giam giữ trong vòng bốn tuần, nhẹ nhất là hai ngày.

Ngoài ra, còn có các mức phạt khác cao hơn theo Luật JGG, nhưng chỉ có thể áp dụng khi trẻ có “khuynh hướng phát triển xấu” hoặc khi vi phạm trọng tội (điều 17 đoạn 2). Yếu tố quyết định ở đây là độ tuổi của hung thủ khi gây án, không tính tuổi hung thủ đạt được khi thụ án (điều 1 đoạn 2). Vì thế đôi khi có những hung thủ đã qua tuổi vị thành niên nhưng bị xử phạt theo Luật JGG và thụ án tại các trại cải tạo bình thường.

Bình Minh


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày