Foto: Một cảnh trong phim “Danh sách của Schindler."
Trong bóng đen của các trại diệt chủng thời Thế chiến thứ hai, có một ông chủ nhà máy sản xuất công nghiệp Đức đã trở thành cứu tinh của người Do Thái.
Đó chính là Oskar Schindler - một con người ham lạc thú, một gã đàn ông sống thiếu mẫu mực nhưng cũng đồng thời là người đã mạo hiểm cả mạng sống của mình để bảo vệ đồng loại khác chủng tộc. Nếu không có Oskar Schindler thì những con người ấy chắc hẳn sẽ phải kết thúc cuộc đời trong lò thiêu.
Không chỉ phơi bày tội ác của phátxít Đức, “Danh sách của Schindler” còn lột tả nỗi thống khổ, đớn đau, bất lực và tuyệt vọng của người Do Thái ở châu Âu khi phải hứng chịu sự hành hạ tàn bạo cả về thể xác lẫn tinh thần, bị tước đoạt cả quê hương, người thân, tính mạng lẫn quyền làm người.
“Ông quay phắt về hướng Krakusa tìm em bé áo đỏ. […] Giữa lúc em bé áo đỏ dừng chân trong hàng và quay đầu nhìn lại, chúng bắn vào cổ người mẹ, và một tên, khi cậu bé thút thít tuột xuống bức tường, giẫm ủng lên đầu cậu cho khỏi cựa quậy, áp nòng súng vào sau gáy - đúng bài bản của SS - và bóp cò” (trích “Danh sách của Schindler”).
“Danh sách của Schindler” giành giải Man Booker năm 1982. Đạo diễn lừng danh người Mỹ Steven Spielberg đã chuyển thể tác phẩm văn học này lên màn ảnh rộng. Bộ phim đã giành được bảy giải Oscar (trong tổng số 12 đề cử) tại Oscar lần thứ 66 (năm 1994) và làm rung động trái tim hàng triệu khán giả trên khắp hành tinh.
Năm 2007, Viện điện ảnh Hoa Kỳ AFI xếp hạng phim đứng thứ tám trong danh sách 100 phim hay nhất của Mỹ mọi thời đại (lên một bậc so với danh sách năm 1998).
Thomas Keneally là nhà văn người Úc. Ông chính thức bắt đầu sự nghiệp cầm bút vào năm 1964. Từ đó đến nay, ông đã xuất bản nhiều chục tiểu thuyết, trong đó nổi bật nhất là “Danh sách của Schindler.”
Bản dịch tiếng Việt tác phẩm này do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phát hành./.
Vietnam+
© 2024 | Thời báo ĐỨC