Diễn tiến vụ án mạng được truy ngược lại trước hết từ hệ thống thiết bị của đồn cảnh sát Dessau ghi âm các cuộc đối thoại sặc từ ngữ phân biệt chủng tộc của cảnh sát: “Vâng, chích cho thằng nhọ Phi châu này một nhát”
Vụ án mạng bức xúc công luận ngày 07.01.2005.
Oury Jalloh một người Phi châu tị nạn bị trói chặt cả chân lẫn tay rồi còng vào cọc sắt phòng giam số 5 của cảnh sát Dessau, tiểu bang Sachsen-Anhalt, và bị chết cháy trong đó.
Sau vụ án mạng, chính quyền ra một thông báo ngắn ngủi, một kẻ tỵ nạn sàm sỡ với phụ nữ bị cảnh sát bắt rồi tự tử trong phòng giam.
Sáu tuần sau, khi các tổ chức chống nạn phân biệt chủng tộc cùng đại diện đảng PDS lên tiếng, chính quyền mới khởi tố điều tra vụ án. Viên cảnh sát, Hans-Ulrich M., 48 tuổi, trực tiếp khám xét Oury Jalloh, bị Viện Kiểm sát cáo buộc tội gây chết người, còn cảnh sát trưởng Andreas S., 46 tuổi, thì bị khép tội vi phạm thân thể dẫn tới tử vong.
Hiện trường dựng lại
Khoảng 8 giờ sáng, đồn cảnh sát Dessau nhận được một cú điện thoại từ một người phụ nữ làm nghề vệ sinh đường phố cho biết có một người đàn ông lạ mặt đang gây khó chịu cho chị ta, nói năng lảm nhảm và đòi mượn điện thoại di động.
Cảnh sát tới, Oury Jalloh không chịu xuất trình giấy tờ và kháng cự lại khi bị bắt lên xe.
Tại đồn, cảnh sát đo được 2,98 độ cồn, lẫn chất nghiện trong máu đối tượng. Ở đồn cảnh sát không có phiên dịch và Oura Jalloh không biết được những điều mà cảnh sát đang quan tâm: năm sinh ghi trong giấy căn cước tạm dung không thể đọc được, đến dữ liệu trong Computer của tòa thị chính cũng không tìm ra, đành phải chờ Cảnh sát hình sự Liên bang ở Wiesbaden xác định nhân thân.
Tất cả đòi hỏi mất nhiều thời gian. Vậy thì cứ trói quách lại trong phòng giam cho chắc.
Diễn tiến vụ án mạng được truy ngược lại trước hết từ hệ thống thiết bị của đồn cảnh sát Dessau ghi âm các cuộc đối thoại sặc từ ngữ phân biệt chủng tộc của cảnh sát:
“Vâng, chích cho thằng nhọ Phi châu này một nhát”, đó là lời yêu cầu Andreas S. đối với bác sĩ. Còn ông này thì lầm bầm văng tục đáp lại, “thường khi gặp cái bọn da tối om thế này, không bao giờ tôi tìm được động mạch cả”. “Vậy nhớ mang loại kim đặc biệt sang nhé”.
Câu chuyện thực sự vui vẻ hài hước đó vẫn cứ tiếp diễn mãi ngay cả khi Jalloh đã chết, nghĩa là cảnh sát thờ ơ với tính mạng của nạn nhân, hệt như trước một con vật bị giết.
Andreas S. bị nữ đồng nghiệp Beate H. làm chứng rằng, anh ta đã nhiều lần vặn nhỏ hệ thống máy nghe xuống những khi người đàn ông dưới tầng hầm gào thét. Nhưng S. giải thích rằng những tiếng ồn ào, gào thét cần phải chấm dứt để anh ta còn chú tâm vào việc nghe điện thoại.
Khoảng 12 giờ, còi báo động cứu hỏa rú lên. Nhưng Andreas S. đã tắt hệ thống báo động này 2 lần, nữ đồng nghiệp đã tường trình như vậy và chỉ khi cả hệ thống báo động ở hệ thông gió phát tín hiệu thì anh ta mới vội lao đi. Andreas S. đã xem nhẹ sự phương hạ tới tính mạng Jalloh – Viện kiểm sát cáo buộc.
Nhưng anh ta đã phủ nhận tất cả với lý lẽ, anh ta là một người cẩn trọng, nên khi đến với một tù nhân như vậy thì không thể đi một mình được. Và khi tìm được một đồng sự có thể đi cùng thì anh này lại còn bận gọi điện thoại.
Xuống đến tầng một, để cho chắc chắn S. còn dừng lại gọi điện báo cáo với sếp của anh ta. Khi anh ta tới được tầng hầm thì chỉ còn lại tro tàn và sự chết chóc. Một đồng nghiệp chạy theo ra sân khi lửa đã được dập tắt, còn Andreas S. thì ho sù sụ và thế là xong chuyện.
Luật sư Attila Teuchtler của S. khẳng định “Trong việc này nhân viên công lực không có sai sót. Dessau là một điểm nóng của tiểu bang, đặc biệt việc buôn chất gây nghiện do người da màu nước ngoài làm trùm ở đây”.
Tại sao Jalloh phải chết thảm thương như vậy, khi mà trong thí nghiệm sau đó đã chứng minh được là chỉ cần không tới 2 phút là người ta có thể chạy từ phòng chỉ huy xuống tới tầng hầm để tháo còng cho tù nhân.
Nhưng luật sư bào chữa lại cho rằng vì hệ thống báo động lắp ráp không chuẩn nên đã báo động muộn làm cho việc giải cứu không đủ thời gian.
Hai luật sư ở Berlin-Kreuzberg là Redina Goetz và Ulrich von Klinggraeff đại diện cho cha mẹ của Oury Jalloh cho rằng, có nhiều điều thật khó hiểu, tại sao sau khi khám xét tống giam xong mà nạn nhân vẫn giấu được bật lửa ?
Tại sao nạn nhân đã bị trói chặt mà vẫn tháo đươc tấm thảm khó cháy ra mà châm lửa rồi lặng lẽ chết cháy.
Rõ ràng là Beate H. còn nghe rõ tiếng kêu cứu “Lại đây nhanh lên, lửa cháy”.
Rồi tới khi gọi cho cứu hỏa thì họ lại quên không nói rõ Jalloh đang bị giam ở phòng nào. Đoàn làm phim của đài ARD tìm về tận đất nước Guinea xa xôi có bà mẹ nghèo khó của Oury Jalloh để bổ sung tư liệu hầu mong giúp được cho ước nguyện của bà: Bà đã mất đứa con trai, nhưng ít nhất cũng phải làm sáng tỏ sự thật này.
Bản án sau 4 năm điều tra
Sau 58 phiên xét xử tốn kém, với nhiều tình tiết phản cung, hai cảnh sát bị Viện Kiểm sát truy tố trước toà án Landgericht Dessau-Roßlau được chánh toà tuyên trắng án.
Trước đó, Viện Kiểm sát đã thay đổi cáo trạng, chỉ còn đòi phạt tiền 4.800 Euro đối với nguyên cảnh sát trưởng Andreas S., và hủy cáo trạng cho đồng bị cáo Hans-Ulrich M.
Cha mẹ và anh em của nạn nhân đại diện cho bên bị hại đòi phạt tù bị cáo tội gây thương tích dẫn đến chết người. Luật sư của bị cáo thì đòi trắng án. Bản luận tội chánh án đọc bị gián đoạn tới nửa tiếng do tổ chức sáng kiến tưởng niệm Oury Jalloh có mặt chật cứng tại phiên toà chửi ruả, thoá mạ chánh án, gào thét: bọn lừa dối
! Bọn giết người. Họ xông cả lên bàn chủ toạ phiên toà, buộc cảnh sát phải can thiệp. Hai đối tượng bị cưỡng chế đuổi ra khỏi phòng xử án. Ngoài cửa toà án xảy ra đụng độ giữa cảnh sát được huy động phong toả khu vực và dăm chục người da đen cùng những người Đức chống nạn cực hữu, phản đối toà án đã che lấp một vụ án hình sự giết người.
Chánh án Manfred Steinhoff giải thích bản án tha bổng bị cáo rằng, toà có trách nhiệm phải kết thúc vụ án do thiếu chứng cứ.
Mặc dù đã trải qua gần 60 phiên xét xử với sự cố gắng của các bên tham gia, nhưng toà đã không đủ cơ sở để làm sáng tỏ vụ án.
Nhân chứng đồng nghiệp Beate H. đã rút lời khai làm cho vụ án bế tắc. Tính chất nhà nước pháp quyền bị hạn chế bởi những điều dở nhất như vậy, mà chúng ta phải chấp nhận.
Phát biểu khi kết thúc phần tranh luận, Viện Kiểm sát tuyên bố, viên cảnh sát trưởng chỉ phạm tội cẩu thả, không phản ứng kịp thời lúc có báo động cháy.
Còn viên cảnh sát khám xét đã bỏ sót không phát hiện được chiếc bật lửa trong túi nạn nhân, nhưng thiếu chứng cứ để có thể buộc tội.
Điều duy nhất có thể khẳng định được chắc chắn là nạn nhân bị trói tay chân đã chết ngạt, trước khi cảnh sát mở được cửa phòng giam. Nạn nhân không làm chủ được mình bị tác động của rượu và thuốc phiện.
Vì vậy, chúng ta buộc phải thừa nhận đây là một vụ tai nạn kèm theo một dãy vụ việc giải quyết tiếp theo bị trục trặc.
Không một bằng chứng nào cho thấy có một yếu tố nào khác trong vụ cháy. Hiện trường cháy đã được dựng lại tới 5 lần.
Các chuyên gia chống cháy khẳng định, nạn nhân tuy bị trói vẫn có khả năng lật lớp thảm chống cháy, đốt lần thảm bắt lửa bên dưới. Tuy nhiên khả năng vẫn chỉ là khả năng, ai là người đốt, và cảnh sát cố tình hay vô ý để nạn nhân chết cháy, hiện toà không tìm được bằng chứng kết luận và đó là điều gây phẫn nộ cho phiá bị hại và những người ủng hộ.
Bộ trưởng Nội vụ tiểu bang Holger Hövelmann (SPD) cho rằng, thật đáng xấu hổ, khi một người trong tay cảnh sát đã phải chết khủng khiếp. Họ cần phải rút kinh nghiệm, và kỷ luật đối với người sai phạm để không lặp lại.
Thống đốc Wolfgang Böhmer tuyên bố trước nghị viện tiểu bang, vụ án làm xấu hổ tất cả chúng ta, và gửi tới thân nhân người bị hại lời xin cảm thông.
Thân nhân của người bị haị bất bình trước án quyết của toà, tức tốc đệ đơn kháng nghị lên toà án tối cao. Viện Kiểm sát đồng kháng nghị nhưng chỉ giới hạn chống lại án quyết tha bổng đối với bị cáo cảnh sát trưởng. Tổ chức sáng kiến “In Gedenken an Oury Jalloh” ra lời kêu gọi toàn Liên bang biểu tình phản đối phán quyết toà án.
© 2024 | Thời báo ĐỨC